Bản tin pháp luật số 6

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 6
CHỦ ĐỀ:   NHỮNG LƯU Ý KHI PHÁT NGÔN CÓ SỬ DỤNG DẤU HIỆU NHẬN DIỆN CỦA TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT

1. Cơ sở pháp lý

- Luật Giáo dục đại học 2012, sửa đổi bổ sung năm 2013, 2015, 2017, 2019.

- Bộ luật Dân sự 2015

- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

- Luật Báo chí 2016.

- Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.

- Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT, hợp nhất Nghị định 15/2020/NĐ-CP, 14/2022/NĐ-CP, 119/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.

- Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

2. Một số lưu ý

2.1. Quyền phát ngôn, cung cấp thông tin nhân danh Trường

            Điều 20 Luật Giáo dục đại học hiện hành đã xác định Hiệu trưởng trường đại học là người đại diện theo pháp luật của trường. Bên cạnh đó, Điều 85 Bộ luật Dân sự quy định, một pháp nhân có thể được đại diện bởi người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền. Như vậy, liên hệ với trường hợp một trường đại học và cụ thể hơn là Trường Đại học Kinh tế - Luật có thể hiểu rằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật là người đại diện theo pháp luật duy nhất của Trường, qua đó Hiệu trưởng có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện việc phát ngôn nhân danh Trường. Việc uỷ quyền có thể thực hiện từng lần theo vụ việc hoặc thông qua các quy định nội bộ của Trường. Ví dụ một số Trường trên cơ sở quy định pháp luật đã cụ thể hoá quy định về phát ngôn tại đơn vị mình như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Tại các văn bản nội bộ này, các Trường đã tập trung phân cấp phát ngôn, theo đó, ngoài hiệu trưởng, một số lãnh đạo, cá nhân tuỳ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ, chức vụ có quyền phát ngôn nhân danh trường trong trường hợp cụ thể, ngoài những trường hợp này, thẩm quyền phát ngôn thuộc về hiệu trưởng.

            Hiện nay, theo tìm hiểu của tác giả, Trường Đại học Kinh tế - Luật chưa có quy định nội bộ về phát ngôn. Căn cứ các quy định pháp luật hiện tại chúng ta có thể hiểu chỉ hiệu trưởng và người được hiểu trưởng uỷ quyền mới có quyền phát ngôn hợp pháp nhân danh Trường.

2.2. Trách nhiệm pháp lý dối với hành vi phát ngôn, cung cấp thông tin sai hoặc chưa được kiểm chứng về cá nhân, tổ chức

            Thời gian vừa qua nhiều cá nhân đã bị xử lý hành chính kể cả hình sự liên quan đến hành vi phát ngôn, cung cấp thông tin sai hoặc chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến uy tín danh dự của cá nhân, tổ chức khác.

            Pháp luật hiện nay không thiếu quy định, cơ chế bảo vệ uy tín của tổ chức, nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân thông qua các biện pháp dân sự, hành chính và kể cả truy cứu trách nhiệm. Theo đó, tuỳ tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả do hành vi phát ngôn, cung cấp thông tin sai hoặc chưa được kiểm chứng gây ra, người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức và 5.000.000 đến 10.000.000 đối với cá nhân. Ngoài ra, người vi phạm còn bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.[1]

            Ngoài ra, người có hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt đến 7 năm tù nếu cấu thành tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân[2]; hoặc đến 3 năm tù nếu cầu thành các tội vu khống hay làm nhục người khác[3].

à Như vậy, để tránh gặp rắc rối liên quan đến pháp luật, khi tham gia các hoạt động xã hội và muốn cung cấp thông tin về cá nhân, tổ chức khác, chúng ta cần phải xem xét về thẩm quyền cũng như giới hạn của quyền tự do trước khi thực hiện.



[1] Điều 101, Văn bản hợp nhất 08/VBHN-BTTTT.

[2] Điều 331, BLHS 2015.

[3] Điều 155, 156 BLHS 2015.