BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 02

CHỦ ĐỀ  XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

 

Bài 1: Quy định của pháp luật về xây dựng chương trình đào tạo đại học

 

Các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng chương trình đào tạo đại học (CTĐTĐH) đầu tiên phải đề cập đến là Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học; Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy chế đào tạo trình độ đại học Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Trong đó văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, cụ thể nhất về xây dựng chương trình đào tạo giáo dục đại học là Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT Quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Thông tư là cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo (CTĐT); xây dựng các quy định về tuyển sinh, tổ chức và quản lý đào tạo, công nhận và chuyển đổi tín chỉ cho người học, công nhận CTĐT của các cơ sở đào tạo khác; thực hiện trách nhiệm giải trình về chất lượng CTĐT; giúp các cơ sở GDĐH cùng một lúc có thể vừa xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong (theo yêu cầu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH) hiệu quả hơn, vừa sẵn sàng có minh chứng về chất lượng đào tạo để tham gia vào kiểm định CTĐT, khẳng định uy tín, thương hiệu của mình với các bên liên quan và toàn xã hội.

        Tải toàn văn Văn bản hợp nhất Luật GDĐH 2012 và 2018 tại đây

Các quy định chính của Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT đó là:

  • Chuẩn CTĐT các trình độ của GDĐH
  • Xây dựng, thẩm định và ban hành chuẩn chương trình cho các lĩnh vực và ngành đào tạo
  • Xây dựng, thẩm định và ban hành CTĐT.

    Tải toàn văn Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT tại đây

    Bài 2.  Những điểm mới trong Quy định Chuẩn chương trình

    đào tạo đại học hiện nay

     

  • Quy định của Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT yêu cầu việc xây dựng chuẩn đầu ra cho các CTĐT phải đảm bảo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam cũng như chuẩn chương trình theo nhóm ngành, lĩnh vực. Điều này giúp quản lý được chất lượng đào tạo đồng bộ, tránh tình trạng cùng một ngành ở cùng một trình độ được đào tạo ở các trường khác nhau nhưng không đảm bảo những chuẩn mực chung tối thiểu để đào tạo ra nhân lực của ngành nghề đào tạo đó.
  • Chuẩn CTĐT là những yêu cầu tối thiểu, cốt lõi mà tất cả CTĐT cần phải đáp ứng nên các cơ sở GDĐH hoàn toàn tự chủ và linh hoạt trong quá trình xây dựng, phát triển các CTĐT để khẳng định uy tín, thương hiệu của trường mình.
  • Quy định rất rõ ràng, chi tiết, cụ thể về chuẩn đầu ra và chuẩn đầu vào của CTĐT các trình độ của GDĐH căn cứ tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT Với tiếp cận xuyên suốt theo hướng quản lý chất lượng đầu ra, việc “đánh giá đạt chuẩn đầu ra chương trình đào tạo” được xem là một yêu cầu mới đối với quản lý chất lượng đào tạo. Cách tiếp cận quản lý chất lượng này yêu cầu các cơ sở GDĐH không chỉ minh bạch chuẩn đầu ra cho các bên liên quan mà còn phải cung cấp được minh chứng người tốt nghiệp đạt được những chuẩn đầu ra mà cơ sở GDĐH đã tuyên bố với người học và các bên liên quan cũng như toàn xã hội.
  • Để đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở GDĐH, Thông tư không quy định cụ thể theo hướng “cầm tay chỉ việc” mà quy định những yêu cầu cơ sở GDĐH cũng như các bên liên quan cần thực hiện trong mỗi nội dung công việc liên quan đến chất lượng các CTĐT.
  • Các nội dung quy định về chuẩn CTĐT đảm bảo đầy đủ các yếu tố cấu thành để phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong đối với CTĐT, làm cơ sở đối sánh trong quá trình kiểm định CTĐT. Cách tiếp cận này hỗ trợ các cơ sở GDĐH có cơ chế bảo vệ bền vững cho các CTĐT và tạo tiền đề quan trọng để các CTĐT đạt được tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trong nước cũng như của quốc tế.
  • Quản lý chuẩn đầu ra không chỉ dừng lại ở việc minh bạch chất lượng CTĐT cho các bên liên quan mà còn phải “sử dụng kết quả đánh giá CTĐT để cải tiến chất lượng liên tục”.

     

    Bài 3. Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo trình độ đại học

     

    CTĐT có cấu trúc và nội dung được quy định cụ thể tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 8 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT.

    Theo quy định mỗi thành phần, học phần của CTĐT phải quy định mục tiêu, yêu cầu đầu vào và đầu ra, số tín chỉ và nội dung, đặc điểm chuyên môn; đóng góp rõ nét trong thực hiện mục tiêu và chuẩn đầu ra của CTĐT.

    Quy định về khối lượng học tập của sinh viên

    Theo quy định tại Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT:

    a) Một tín chỉ được tính tương đương 50 giờ học tập định mức của người học, bao gồm cả thời gian dự giờ giảng, giờ học có hướng dẫn, tự học, nghiên cứu, trải nghiệm và dự kiểm tra, đánh giá;

    b) Đối với hoạt động dạy học trên lớp, một tín chỉ yêu cầu thực hiện tối thiểu 15 giờ giảng hoặc 30 giờ thực hành, thí nghiệm, thảo luận trong đó một giờ trên lớp được tính bằng 50 phút.

    c) CTĐTĐH: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;

    d) CTĐT chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7: 150 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành; hoặc 30 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

    e) CTĐT thạc sĩ: 60 tín chỉ đối với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành;

    f) CTĐT tiến sĩ: 90 tín chỉ với người có trình độ thạc sĩ, 120 tín chỉ với người có trình độ đại học thuộc cùng nhóm ngành.

    Khối lượng học tập tối thiểu đối với các CTĐT song ngành phải cộng thêm 30 tín chỉ, đối với CTĐT ngành chính - ngành phụ phải cộng thêm 15 tín chỉ so với CTĐT đơn ngành tương ứng.

     

    Bài 4. Rà soát, chỉnh sửa, cập nhật, cải tiến, phát triển chương trình đào tạo

    trình độ đại học

     

    Rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chương trình đào tạo

    Quy định tại Điều 16 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT

    Để góp phần không ngừng nâng cao chất lượng CTĐT việc rà soát, chỉnh sửa, cập nhật CTĐT có vai trò rất quan trọng:

  • Thứ nhất, rà soát tổng thể các CTĐT đảm bảo nguyên tắc "tương thích có định hướng" trong xây dựng và phát triển CTĐT.

    Nguyên tắc "tương thích có định hướng" yêu cầu:

  • Xây dựng chuẩn đầu ra có thể đo lường được
  • Lựa chọn phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra, đánh giá để đảm bảo đạt được chuẩn đầu ra
  • Đánh giá mức độ đạt được chuẩn đầu ra của người học.
  • Thứ hai, rà soát, hoàn thiện hoặc xây dựng các quy trình cơ bản để nâng cao chất lượng CTĐT.
  • Thứ ba, rà soát, hoàn thiện hoặc xây dựng cơ chế thu thập và sử dụng thông tin phản hồi của các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển CTĐT.

    Thông tin phản hồi của các bên liên quan là nội dung yêu cầu rất quan trọng trong tiêu chuẩn đánh giá chất lượng CTĐT của Bộ GD&ĐT. Ý kiến của các bên liên quan (bao gồm, nhưng không hạn chế: người học, cựu người học; nhà tuyển dụng; cán bộ, giảng viên; nhà khoa học; cơ sở quản lí nhà nước; đối tác của cơ sở GD ĐH là cơ sở quan trọng để nhà trường nâng cao chất lượng CTĐT.

  • Thứ tư, trong dài hạn để phát triển bền vững, các cơ sở GDĐH nên quan tâm thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong hoạt động hiệu lực, hiệu quả, làm nền tảng cho các hoạt động đảm bảo chất lượng nói chung, đảm bảo chất lượng CTĐT nói riêng, từ đó hình thành và duy trì văn hóa chất lượng.

Thiết lập hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong chính là thiết lập môi trường để duy trì và phát triển văn hóa chất lượng, các điều kiện đảm bảo chất lượng bên trong bao gồm:

  • Giảng viên, nhân viên hành chính
  • CTĐT, giáo trình, tài liệu giảng dạy và học tập
  • Phòng học, văn phòng, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, kí túc xá và các cơ sở khác
  • Các nguồn lực tài chính

  Điều 19 Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT quy định: cứ 5 năm/1 lần, các cơ sở đào tạo đại học phải rà soát, đánh giá, bổ sung để không ngừng hoàn thiện CTĐT. Việc rà soát, đánh giá, bổ sung để không ngừng hoàn thiện CTĐT bao gồm cả xây dựng chương trình mới và cải tiến, phát triển chương trình đã có.

      Tải toàn văn Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT tại đây