BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03

CHỦ ĐỀ  HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC SINH VIÊN

TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

Bài 1.  Cơ sở pháp lý về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại cơ sở giáo dục đại học

-  Luật giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

-  Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

-  Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

-  Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

-  Thông tư 45/2020/TT-BGDDT ngày 11 tháng 11 năm 2020 ban hành quy chế xét tặng giải thưởng Khoa học và công nghệ dành cho GV trẻ và sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học

Trong đó Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT ngày 17/9/2021 có hiệu lực thi hành từ ngày 02/11/2021 là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết nhất về về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên tại cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó Thông tư quy định các nội dung chính sau:

 

-  Quản lý và tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

-  Trách nhiệm và quyền hạn của tổ chức, cá nhân: 

+  Cơ sở giáo dục đại học;

+  Người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học;

  -  Khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

 

 Tải các văn bản quy phạm pháp luật về nghiên cứu khoa học của sinh viên tại đây:

F  Luật Giáo dục Đại học số 08/2012/QH13

F  Luật số 34/2018/QH14

FLuật Khoa học và Công nghệ

F  Nghị định số 99/2019/NĐ-CP

F  Nghị định số 08/2014/NĐ-CP

F Thông tư 45/2020/TT-BGDĐT

F Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT

 

Bài 2    Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên

 

Kế hoạch, nội dung hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên được thể hiện trong kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ hằng năm và dài hạn của cơ sở giáo dục đại học.

Điều 5 Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định: Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên bao gồm:

  • Khen thưởng và xử lý vi phạm trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên
  • Tổ chức triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cho sinh viên;
  • Tổ chức các hoạt động hỗ trợ kiến thức, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho sinh viên;
  • Tổ chức hội nghị, hội thảo và các diễn đàn khoa học; các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp dành cho sinh viên. Hướng dẫn, khuyến khích sinh viên tham gia các giải thưởng, triển lãm khoa học và công nghệ, các cuộc thi, các diễn đàn học thuật trong và ngoài nước dành cho sinh viên;
  • Tổ chức các hoạt động truyền thông về khoa học và công nghệ nhằm nâng cao nhận thức đạo đức nghiên cứu, kiến thức về sở hữu trí tuệ cho sinh viên; giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước;
  • Khen thưởng và đề xuất khen thưởng, biểu dương sinh viên, tập thể sinh viên và người hướng dẫn có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên;
  • Các hình thức hoạt động khoa học và công nghệ khác của sinh viên theo quy định hiện hành.

     

    Bài 3. Những điều sinh viên cần biết về hoạt động nghiên cứu khoa học

     

    Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT nêu rõ, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm mục tiêu hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học, góp phần phát hiện và bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ tài năng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao. Ngoài ra, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

    Quyền và trách nhiệm của sinh viên khi tham gia hoạt động

    nghiên cứu khoa học

    Theo Khoản 2 Điều 12 quy định khi tham gia nghiên cứu khoa học, sinh viên được  hưởng những quyền lợi sau:

  • Được đề xuất, đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học;
  • Được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất và trang thiết bị sẵn có của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động nghiên cứu;
  • Được hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học theo định mức quy định của cơ sở giáo dục đại học;
  • Được công bố, hỗ trợ công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học, kỷ yếu, các ấn phẩm khoa học và công nghệ khác trong và ngoài nước theo quy định;
  • Được hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu theo quy định hiện hành;
  • Được xem xét ưu tiên cộng điểm học tập, điểm rèn luyện; ưu tiên xét cấp học bổng và các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định của cơ sở giáo dục đại học;
  • Được hưởng các quyền lợi khác theo quy định.

    Bên cạnh quyền lợi, tại khoản 1 Điều 12 của Thông tư đã quy định khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên phải có trách nhiệm:

  • Thực hiện các nghiên cứu khoa học một cách trung thực, nghiêm túc;
  • Chịu trách nhiệm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên; tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học, diễn đàn, các hoạt động khoa học và công nghệ khác trong các cơ sở giáo dục đại học;
  • Tuân thủ các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, hoạt động khoa học và công nghệ và các quy định khác của pháp luật hiện hành.

Ý nghĩa hoạt động nghiên cứu khoa học đối với sinh viên

  • Nghiên cứu khoa học không chỉ cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích, mà còn tạo cho sinh viên một tác phong làm việc khoa học, rèn luyện cho sinh viên cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía;
  • Nghiên cứu khoa học không những giúp sinh viên nắm chắc kiến thức mà còn tiếp cận nhiều hơn kiến thức mới;
  • Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên phát triển và rèn luyện các kỹ năng tư duy sáng tạo, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm;
  • Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên phát triển và rèn luyện kĩ năng mềm trong đó có kỹ năng thuyết trình để bảo vệ đề tài nghiên cứu của mình;
  • Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên cải thiện tiếng Anh chuyên ngành;
  • Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên thiết lập thêm các mối quan hệ mới;
  • Nghiên cứu khoa học giúp sinh viên xây dựng hành trang cho bản thân bằng những thành tích đạt được và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

 

Bài 4   Trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Quy định nhiều điểm mới gia tăng quyền lợi cho giảng viên khi tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học

Điều 11 Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT quy định trách nhiệm và quyền của người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học như sau:

Thứ nhất, người hướng dẫn có trách nhiệm tham gia hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, chịu trách nhiệm về nội dung của đề tài được phân công hướng dẫn, tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc về đạo đức nghiên cứu và các quy định hiện hành.

Thứ hai, người hướng dẫn được tính giờ nghiên cứu khoa học, được hưởng mức thù lao và các quyền lợi khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học sau khi hoàn thành việc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học. Trước đây theo quy định của Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012 thì người hướng dẫn sinh viên chỉ được tính giờ nghiên cứu khoa học.

Thứ ba, người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học có kết quả xuất sắc, đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước hoặc các kết quả nghiên cứu được áp dụng, triển khai mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội được ưu tiên trong việc xét chọn danh hiệu thi đua các cấp và các hình thức khen thưởng khác. So với quy định Thông tư 19/2012/TT-BGDĐT ngày 01/6/2012 thì quy định hiện tại đã bổ sung trường hợp nghiên cứu khoa học đạt các giải thưởng khoa học và công nghệ trong và ngoài nước.

Như vậy, sự ra đời của Thông tư 26/2021/TT-BGDĐT là cơ sở pháp lý quan trọng giúp cho sinh viên và người hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học thấy rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của mình để có nhiều động lực hơn khi tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.