Bản tin pháp luật số 5

CÁC CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI SINH VIÊN

1. Cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước quy định đối với sinh viên

  • -Luật Giáo dục năm 2019.
  • -Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục
  • -Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
  • -Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT ngày 05/4/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế Công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy
  • -Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV)
  • -Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV)
  • -Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg, ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập;
  • -Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 25/8/1998 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chế độ học bổng và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên các trường đào tạo công lập;
  • -Thông tư liên tịch số 13/2002/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 28/3/2002 của Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ.
  • -Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học;
  • -Thông tư liên tịch số 35/2014/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/10/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn thực hiện Quyết định số 66/2013/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ chi phí học tập đối với sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học.

 

2. Nội dung thực hiện các chế độ chính sách của Nhà nước quy định đối với sinh viên

a) Đối với Tín dụng sinh viên:

Theo quy định tại Quyết định 157, mức cho vay tối đa do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ, căn cứ vào sự thay đổi về chính sách học phí và giá cả sinh hoạt. Quá trình thực hiện chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức cho vay 9 lần, từ 800.000 đồng/tháng/HSSV lên 4.000.000 đồng/tháng/HSSV.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn và có hiệu lực kể từ ngày 19/5/2022 với một số nội dung được sửa đổi, bổ sung, cụ thể:

Sửa đổi khoản 2 Điều 2 về đối tượng vay vốn:

- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

+ Hộ nghèo theo quy định của pháp luật

+ Hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật

+ Hộ có mức sống trung bình theo quy định của pháp luật

Sửa đổi khoản 1 Điều 5 về mức vốn cho vay:

- Mức vốn cho vay tối đa là 4.000.000 đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Sửa đổi khoản 2 Điều 9 về trả nợ gốc và lãi tiền vay:

- Kể từ ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học 12 tháng theo quy định, đối tượng được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên. Đối tượng được vay vốn có thể trả nợ trước hạn mà không chịu lãi phạt trả nợ trước hạn.

b) Đối với Học bổng khuyến khích học tập

Quy định về nguồn học bổng: “Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu 8% nguồn thu học phí đối với trường công lập.” (Căn cứ khoản 4 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP).

Quy định về nội dung xét, cấp học bổng: “Điểm trung bình chung học tập để xét học bổng theo quy định tại Nghị định này được tính từ điểm thi, kiểm tra hết môn học lần thứ nhất. (Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP).

“Học bổng được cấp theo từng học kỳ và cấp 10 tháng trong năm học. Đối với học sinh, sinh viên đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun hoặc tín chỉ thì được xét, cấp học bổng theo số lượng mô đun hoặc tín chỉ, trong đó 15 mô đun hoặc tín chỉ được tính tương đương với một học kỳ. Học sinh, sinh viên thuộc diện hưởng học bổng chính sách, trợ cấp xã hội, chính sách ưu đãi thì vẫn được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập theo quy định tại Nghị định này” (Căn cứ khoản 6 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP)

            Quy định về mức học bổng: “Học bổng loại khá: Mức học bổng bằng hoặc cao hơn mức trần học phí hiện hành của ngành, chuyên ngành, nghề mà học sinh, sinh viên đó phải đóng tại trường do hiệu trưởng hoặc giám đốc quy định”; “Học bổng loại giỏi: Mức học bổng cao hơn loại khá do hiệu trưởng quy định”; “Học bổng loại xuất sắc: Mức học bổng cao hơn loại giỏi do hiệu trưởng quy định” (Căn cứ khoản 3 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP)

c) Đối với Miễn, giảm học phí

            Đối tượng được miễn 100% học phí:

            Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

            Sinh viên hệ cử tuyển theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.

            Đối tượng được giảm 70% học phí:

            Sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

            Đối tượng được giảm 50% học phí:

            Sinh viên là con cán bộ, công chức, viên chức, công nhân mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên

d) Đối với Trợ cấp xã hội

Đối tượng trợ cấp xã hội:

(1) Học sinh, sinh viên là người dân tộc ít người ở vùng cao

(2) Học sinh, sinh viên là người mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa

            (3) Học sinh, sinh viên là người tàn tật theo quy định của Nhà nước tại Nghị định số 81/CP ngày 23/11/1995 là những người gặp khó khăn về kinh tế, khả năng lao động bị suy giảm từ 41% trở lên do tàn tật, được Hội đồng y khoa có thẩm quyền xác định

            (4) Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về kinh tế, vượt khó học tập là những người mà gia đình của họ thuộc diện hộ nghèo phải xuất trình giấy chứng nhận là học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo

Mức hưởng trợ cấp xã hội

- Các đối tượng 1 hưởng mức trợ cấp xã hội là 140.000 đồng/tháng

- Các đối tượng 2,3,4 hưởng mức trợ cấp xã hội là 100.000 đồng/tháng

e) Đối với Chính sách giáo dục

Đối tượng được hưởng chính sách

Sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.

Không áp dụng đối với sinh viên: cử tuyển, các đối tượng chính sách được xét tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, văn bằng hai và học đại học, cao đẳng sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học.

Mức hỗ trợ chi phí học tập

Mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở (mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng kể từ 01/07/2023) và được hưởng không quá 10 tháng/năm học/sinh viên; số năm được hưởng hỗ trợ chi phí học tập theo thời gian đào tạo chính thức.