Bản tin pháp luật số 1

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 1: CHỦ ĐỀ TUYỂN SINH

  

Bài 1. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ TUYỂN SINH

            Văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đầu tiên có thể kể đến là Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Quy chế này áp dụng đối với các đối tượng là các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục khác được phép đào tạo trình độ đại học, trường cao đẳng tuyển sinh ngành Giáo dục Mầm non, sở giáo dục và đào tạo và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Như vậy, đối tượng điều chỉnh chủ yếu của Quy chế này là các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Quy chế này như vậy không áp dụng đối với tuyển sinh cao đẳng các ngành khác mà không phải là giáo dục mầm non. Văn bản QPPL thứ hai là Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sỹ, tiến sỹ và cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

  Các quy định chính cần lưu ý đối với Quy chế này:

  Các hoạt động được điều chỉnh bởi Quy chế này bao gồm những nguyên tắc, yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình, quyền hạn và trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non cho các hình thức đào tạo; quy định cụ thể về tổ chức thi phục vụ tuyển sinh, xét tuyển đào tạo hình thức chính quy. Như vậy, Quy chế này cũng áp dụng đối với cả thi “phục vụ tuyển sinh”, trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực.

            Một trong những nguyên tắc quan trọng trong tuyển sinh là sự minh bạch đối với xã hội, yêu cầu về sự minh bạch cụ thể như sau:

- Về minh bạch thông tin: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm công bố thông tin tuyển sinh đầy đủ, rõ ràng và kịp thời qua các phương tiện truyền thông phù hợp để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước cùng giám sát;

- Về trách nhiệm giải trình: Cơ sở đào tạo có trách nhiệm báo cáo theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước và giải trình với xã hội qua hình thức phù hợp về những vấn đề lớn, gây bức xúc cho người dân.

            Một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tuyển sinh là đối với một ngành, chương trình đào tạo có chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển:

a) Việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức, tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ hợp lý; không gây mất công bằng cho các thí sinh chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển khác nhau;

b) Việc thay đổi, bổ sung phương thức hoặc tổ hợp xét tuyển phải có căn cứ và lộ trình hợp lý; không làm tỉ lệ phân bổ chỉ tiêu của một phương thức, tổ hợp đã sử dụng trong năm trước giảm quá 30% (trong cơ cấu chỉ tiêu của ngành, chương trình đào tạo) trừ trường hợp việc thay đổi, bổ sung đó đã được công bố trước thời điểm mở đăng ký dự tuyển ít nhất 1 năm.

            Đề án tuyển sinh. Đề án tuyển sinh phải được xây dựng, công bố và thực hiện để thực hiện trách nhiệm giải trình và cam kết đối với thí sinh, cơ quan quản lý nhà nước và xã hội. Nội dung chủ yếu của đề án tuyển sinh bao gồm:

a) Thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo, gồm cả thông tin về quyết định mở ngành, ngôn ngữ đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện học tập và nghiên cứu, văn bằng tốt nghiệp, kết quả kiểm định chất lượng, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp (trên tổng số nhập học) và tỉ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp (theo Phụ lục III của Quy chế);

b) Thông tin đầy đủ về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học;

Tải toàn văn Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT tại đây.

 

Bài 2. KIẾN THỨC CẦN KHI TƯ VẤN TUYỂN SINH

            Tư vấn tuyển sinh là công tác khá quan trọng trong việc cung cấp thông tin cho xã hội về bối cảnh tuyển sinh chung của cơ sở giáo dục đại học. Công tác này dù không được đề cập trong các VBQPPL nhưng có ý nghĩa đặc biệt trong thực trạng tuyển sinh của bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào, dù là công lập hay tư thục. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là cần cung cấp những thông tin nào khi tư vấn tuyển sinh để người cần tư vấn có được thông tin đầy đủ và chính xác nhất?

            Thực tiễn công tác tư vấn tuyển sinh trong thời gian qua cho thấy sự phân biệt giữa “ngành đào tạo”  và “chương trình đào tạo” là chưa được rõ ràng. Người được tư vấn nếu nhầm tưởng học “Chương trình đào tạo” nào thì sẽ được cấp bằng tốt nghiệp mang tên chương trình đào tạo ấy. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT thì thông tin bắt buộc ghi trên văn bằng tốt nghiệp đại học là “Ngành đào tạo” chứ không phải “chương trình đào tạo”. Do vậy, trong trường hợp một ngành đào tạo của UEL có nhiều chương trình đào tạo thì khi tư vấn tuyển sinh cần cung cấp thông tin chính xác về Văn bằng tốt nghiệp mà người học được cấp khi tốt nghiệp, điều này cần thiết lưu ý để tránh tình trạng người học hiểu nhầm khi chọn ngành/chương trình đào tạo và cũng đảm bảo tính minh bạch, thống nhất trong tuyển sinh và đào tạo của nhà trường.

Tải toàn văn Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT tại đây.

 

BÀI 3. VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA TRONG CÔNG TÁC TUYỂN SINH

            Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian vừa qua có nhiều điểm mới theo quy định của Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT. Cụ thể theo quy định tại Điều 4 khoản 3 Thông tư này “Chỉ tiêu tuyển sinh đại học xác định theo từng ngành, nhóm ngành và phải bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của lĩnh vực đào tạo tương ứng. Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ; chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng, ngành Giáo dục Mầm non và chỉ tiêu tuyển sinh đại học các ngành đào tạo giáo viên xác định theo từng ngành đào tạo, bảo đảm quy mô đào tạo không vượt quá năng lực đào tạo của ngành đào tạo đó”. Như vậy, trước khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học phải xác định năng lực đào tạo của mình, mà năng lực đào tạo được hiểu là khả năng đáp ứng của cơ sở đào tạo trong thực hiện chức năng đào tạo theo yêu cầu chung (tức các điều kiện để đảm bảo duy trì ngành, chương trình đào tạo).

            Cũng theo quy định trên thì chỉ tiêu tuyển sinh sẽ được xác định hoặc theo ngành hoặc theo nhóm ngành. Hiện nay tại UEL có 3 nhóm ngành đào tạo thuộc Danh mục giáo dục đào tạo cấp III theo Quyết định 01/2017/QĐ-TTg, bao gồm:

     1. Nhóm ngành Kinh doanh và quản lý

     2. Nhóm ngành Pháp luật

     3. Nhóm ngành Khoa học xã hội và hành vi.

    Như vậy, chỉ tiêu tuyển sinh có thể được xác định theo ngành hoặc nhóm ngành và Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT không quy định trong trường hợp nào xác định chỉ tiêu theo ngành và trường hợp nào xác định chỉ tiêu theo nhóm ngành. Trong bối cảnh này sự lựa chọn thuộc về cơ sở giáo dục đại học.

Tải toàn văn Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT tại đây.