BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 12/2024
CHỦ ĐỀ: NHỮNG ĐIỂM MỚI LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU KIỆN MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO VÀ ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, THẠC SĨ, TIẾN SĨ.
Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 05/01/2025, đã đưa ra những quy định mới về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của các ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Những điểm mới trong thông tư này không chỉ tạo ra khuôn khổ pháp lý rõ ràng, mà còn đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, đảm bảo sự minh bạch trong quản lý các ngành đào tạo. Những thay đổi này cũng nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học chủ động hơn trong việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội và nhu cầu thực tiễn. Bài viết dưới đây sẽ phân tích chi tiết những điểm mới trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, đồng thời đánh giá tác động của các quy định này đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn hội nhập và đổi mới. So với quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT thì Thông tư mới này chủ yếu bổ sung, sửa đổi một số yêu cầu về trình độ, năng lực giảng viên đối với cơ sở đào tạo khi mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học;
- Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT 18/01/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
- Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT ngày 10/10/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
- Quyết định số 540/QĐ-ĐHQG ngày 09/5/2023 của Giám đốc ĐHQG-HCM về việc ban hành Quy định mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
II. Những điểm mới về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ theo Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT
1. Điều kiện chung về mở ngành đào tạo
Bên cạnh những điều kiện chung đã quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT thì Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT hiện nay bổ sung quy định điều kiện chung về đội ngũ giảng viên, cụ thể bổ sung điều kiện“Giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và giảng viên chủ trì giảng dạy chương trình đào tạo phải là giảng viên cơ hữu không quá tuổi nghỉ hưu tối đa theo quy định của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập; hằng năm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn một số học phần bắt buộc hoặc hướng dẫn chính luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ trong chương trình đào tạo” (Khoản 1, Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT)
Bên cạnh đó, ở quy định về điều kiện chung này, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT cũng bổ sung quy định làm rõ hơn khái niệm về “ngành phù hợp” cụ thể ngành phù hợp đáp ứng một trong các yêu cầu sau:
(i) Cùng tên với ngành đào tạo hoặc đáp ứng quy định trong chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
(ii) Trường hợp chưa có chuẩn chương trình đào tạo của lĩnh vực, nhóm ngành tương ứng, việc xác định ngành phù hợp sẽ do Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định.
(iii) Việc xác định ngành phù hợp cũng có thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện qua việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn chuyên môn do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập.
2. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học
Liên quan đến điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT đã bổ sung thêm quy định về giảng viên có chuyên môn phù hợp ở điều kiện về có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình. Theo đó thì giảng viên có chuyên môn phù hợp là giảng viên đáp ứng tiêu chuẩn quy định trong chuẩn chương trình đào tạo và một trong các yêu cầu sau:
(i) Có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ ngành phù hợp theo quy định tại khoản 8 Điều 4 Thông tư 12/2024/TT-BGD;
(ii) Có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thuộc ngành được Hội đồng khoa học và đào tạo của cơ sở đào tạo xác định phù hợp để chủ trì giảng dạy ít nhất 02 học phần cốt lõi trong một thành phần của chương trình đào tạo, đồng thời đã có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trọn vẹn các học phần đó.
3. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ
Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ bên cạnh những điều kiện chung để mở ngành thì cũng cần phải bảo đảm có ít nhất 05 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 02/2022/TT-BGDĐT).
Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT đã sửa đổi, bổ sung quy định về có kinh nghiệm trong tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học liên quan tới ngành đào tạo, đáp ứng một trong các điều kiện sau: (i) Ngành đào tạo trình độ thạc sĩ là ngành phù hợp đối với một ngành đã đào tạo và cấp bằng ở trình độ đại học; (ii) Trong 05 năm gần nhất, số giảng viên của ngành đào tạo thạc sĩ phải có ít nhất 02 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy trên 50% số học phần trong chương trình đào tạo; đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 20 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ (Khoản 3, Điều 1, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT).
Cùng với đó, cơ sở đào tạo cần đạt các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học áp dụng cho cơ sở đào tạo tiến sĩ bao gồm: tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ; tỉ trọng từ các hoạt động khoa học và công nghệ (trừ các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an); số lượng công bố khoa học và công nghệ tính bình quân trên một giảng viên toàn thời gian.
Ngoài ra, ở Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT cũng bãi bỏ trường hợp các cơ sở đào tạo có thể thuyết minh sự đáp ứng vượt trội nếu không đáp ứng được các điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ.
4. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ
Để mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, cơ sở giáo dục đại học cần đảm bảo có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo (Khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2022/TT-BGDĐT).
Ngoài ra, trong 5 năm gần nhất, số giảng viên này cần đảm bảo đã tham gia hướng dẫn 05 luận án tiến sĩ thuộc ngành đào tạo được bảo vệ thành công (tại một cơ sở đào tạo khác); đồng thời đã công bố tổng số ít nhất 50 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí khoa học được Hội đồng giáo sư nhà nước tính điểm cho ngành đào tạo, với vai trò là tác giả đứng đầu hoặc tác giả liên hệ (Khoản 4 Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT).
Tương tự như điều kiện mở ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT cũng bãi bỏ trường hợp các cơ sở đào tạo có thể thuyết minh sự đáp ứng vượt trội nếu không đáp ứng được điều kiện như Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định.
5. Các trường hợp cơ sở giáo dục bị đình chỉ tuyển sinh ngành đào tạo từ ngày 05/01/2025
Tại khoản 6 Điều 1 Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung quy định về việc đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo từ ngày 05/01/2025 nêu rõ các trường hợp cơ sở giáo dục bị đình chỉ như sau:
(1) Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động tuyển sinh đối với một ngành đào tạo trong các trường hợp sau:
- Đã mở ngành đúng quy định nhưng không duy trì được đầy đủ điều kiện mở ngành trong quá trình hoạt động theo quy định.
- Vi phạm quy định khác của pháp luật về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ hoạt động tuyển sinh.
(2) Cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động đào tạo đối với ngành đào tạo trong các trường hợp sau:
- Tự chủ mở ngành đào tạo hoặc gian lận để được mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định.
- Hết thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh nhưng không khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ hoạt động tuyển sinh.
- Vi phạm quy định khác của pháp luật về giáo dục ở mức độ phải đình chỉ hoạt động đào tạo.
Theo đó, trong thời hạn đình chỉ hoạt động tuyển sinh hoặc đào tạo nếu cơ sở đào tạo đã khắc phục được các nguyên nhân dẫn đến đình chỉ tuyển sinh hoặc đào tạo và đáp ứng đầy đủ điều kiện mở ngành theo quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết định cho phép tuyển sinh hoặc đào tạo trở lại đối với ngành đào tạo trong thời gian 30 ngày tính từ ngày hết thời hạn đình chỉ tuyển sinh và trong thời hạn 45 ngày tính từ ngày kết thúc đình chỉ hoạt động đào tạo.
Bên cạnh đó, đối với ngành đào tạo đã được mở nhưng trong thời gian 05 năm liên tiếp cơ sở đào tạo không tổ chức tuyển sinh hoặc không tuyển sinh được thì quyết định mở ngành đào tạo hết hiệu lực.
III. Kết luận
Nhìn chung so với quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT chủ yếu bổ sung, sửa đổi một số yêu cầu về trình độ, năng lực giảng viên đối với cơ sở đào tạo khi mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Việc điều chỉnh và bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo sau đại học tại Việt Nam. Các cơ sở giáo dục sẽ phải đáp ứng những yêu cầu cao hơn về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, từ đó tạo ra một môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên. Đồng thời, các quy định chặt chẽ về việc mở và đình chỉ ngành đào tạo sẽ giúp hạn chế tình trạng mở ngành không thực tế, giảm thiểu việc lãng phí nguồn lực của xã hội.
Trường Đại học Kinh tế - Luật cần đặc biệt lưu ý về điều kiện mở ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ mới được áp dụng từ ngày 05/01/2025 nhằm triển khai đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đối với các ngành đào tạo đã được mở và đang hoạt động trước ngày 05/01/2025, Trường Đại học Kinh tế - Luật tiếp tục duy trì, cải tiến các điều kiện theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT hoặc theo các quy định của Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT, đồng thời đảm bảo tất cả các ngành tuyển sinh từ ngày 01/06/2026 đáp ứng đầy đủ các điều kiện mở ngành theo quy định của Thông tư 12/2024/TT-BGDĐT.