BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 8/2024
CHỦ ĐỀ: TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ
Việc hiểu và nắm rõ các quy định về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ không những quan trọng đối với người học mà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở đại học cũng như sự phát triển bền vững của các ngành học và nghiên cứu. Thứ nhất, đối với người học việc nắm rõ các quy định này giúp người học có thể chuẩn bị đầy đủ và chính xác tránh lãng phí thời gian, chi phí cho việc học tập và nghiên cứu khi mong muốn được trở thành tiến sĩ. Thứ hai, đối với cơ sở đại học việc nắm rõ các quy định giúp đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ, nâng tầm của cơ sở giáo dục và đảm bảo được các nghiên cứu sinh được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để đóng góp vào cộng đồng học thuật. Do đó, việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định của Trường, của pháp luật là điều rất cần thiết.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học;
- Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ;
- Quyết định số 855/QĐ-ĐHKTL ngày 30/6/2023 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật về việc ban hành Quy định tổ chức và quản lý đào tạo trình độ tiến sĩ.
II. Quy định về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ
1. Đối tượng và điều kiện dự tuyển
Để đảm bảo chất lượng đầu vào của chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, các yêu cầu về đối tượng và điều kiện dự tuyển đã được quy định một cách cụ thể và chi tiết. Những yêu cầu này nhằm mục đích đảm bảo rằng các ứng viên tham gia đều có nền tảng học vấn vững chắc, kinh nghiệm nghiên cứu đủ mạnh, cũng như năng lực ngoại ngữ cần thiết để theo đuổi chương trình đào tạo chuyên sâu. Dưới đây là các điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật mà người dự tuyển cần đáp ứng để có thể tham gia vào chương trình đào tạo tiến sĩ:
1.1 Yêu cầu chung đối với người dự tuyển:
- Đã tốt nghiệp thạc sĩ, tốt nghiệp đại học hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành đào tạo tiến sĩ;
- Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;
- Có kinh nghiệm nghiên cứu hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ;
- Có dự thảo đề cương nghiên cứu và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa.
1.2. Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ theo quy định
1.3. Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài và phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai do cơ sở đào tạo quyết định, trừ trường hợp là người bản ngữ của ngôn ngữ được sử dụng trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
1.4. Trường Đại học Kinh tế - Luật quy định chi tiết yêu cầu về trình độ chuyên môn phù hợp, năng lực ngoại ngữ, kinh nghiệm công tác và những yêu cầu khác đối với người dự tuyển.
2. Tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh
Quá trình tuyển sinh và công nhận nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế - Luật được xem như nền tảng quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ người học chất lượng, có năng lực và chuyên môn cao. Quy trình này được thiết kế để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và công bằng nhằm đảm bảo mọi ứng viên đều có cơ hội như nhau trong việc tham gia chương trình đào tạo tiến sĩ, đồng thời giúp nhà trường duy trì được tiêu chuẩn đào tạo:
1. Việc tuyển sinh được tổ chức một hoặc nhiều lần trong năm do cơ sở đào tạo quyết định
2. Phương thức tuyển sinh bao gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển do cơ sở đào tạo quyết định bảo đảm đánh giá minh bạch, công bằng, khách quan và trung thực về kiến thức, năng lực của người dự tuyển.
3. Thông báo tuyển sinh được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo ít nhất 30 ngày làm việc trước khi tổ chức tuyển sinh.
4. Trong quá trình tổ chức tuyển sinh, cơ sở đào tạo phải thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và giám sát nội bộ theo quy định hiện hành.
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh phải có đầy đủ thông tin theo quy định
3. Chương trình đào tạo
Chương trình đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Luật được nhà trường đặc biệt quan tâm và coi là một trọng điểm trong sứ mệnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Được thiết kế dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và đáp ứng Khung trình độ quốc gia, chương trình không chỉ nhằm trang bị cho nghiên cứu sinh nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc mà còn tạo điều kiện để họ phát triển khả năng nghiên cứu độc lập và sáng tạo.
Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: “Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ do cơ sở đào tạo xây dựng, thẩm định và ban hành, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và quy định về chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.”
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã ban hành Quyết định số 855/QĐ-ĐHKTL cụ thể liên quan đến chương trình đào tạo được Quy định tại Chương II với các nội dung gồm: loại chương trình đào tạo, quy định về chương trình đào tạo, quản lý chương trình đào tạo và chương trình đào tạo tiến sĩ.
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ: “Nghiên cứu khoa học là thành phần chính yếu và bắt buộc trong chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ, được quy định chi tiết tại quy chế của cơ sở đào tạo tùy theo yêu cầu của từng lĩnh vực, ngành đào tạo cụ thể. Kết quả nghiên cứu được thể hiện trong luận án tiến sĩ và những công bố khoa học có liên quan của nghiên cứu sinh.”
4. Thời gian và hình thức đào tạo
Thời gian và hình thức đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Luật được thiết kế nhằm đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, giúp nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình đúng tiến độ và đạt được mục tiêu học tập. Trường đặt ra những quy định chặt chẽ, phù hợp với khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn và yêu cầu nghiên cứu sinh phải tuân thủ kế hoạch học tập, nghiên cứu đã được phê duyệt. Điều này đảm bảo rằng quá trình đào tạo không chỉ diễn ra trong khuôn khổ thời gian hợp lý mà còn tạo điều kiện tối ưu để nghiên cứu sinh tập trung vào việc phát triển chuyên môn và hoàn thành luận án một cách hiệu quả.
4.1. Thời gian đào tạo
Thời gian đào tạo tiêu chuẩn của trình độ tiến sĩ từ 03 năm (36 tháng) đến 04 năm (48 tháng) do cơ sở đào tạo quyết định; mỗi nghiên cứu sinh có một kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nằm trong khung thời gian đào tạo tiêu chuẩn phê duyệt kèm theo quyết định công nhận nghiên cứu sinh.[1]
Theo đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng quy định thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ tuân thủ theo như quy định của Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT và sẽ do Trường quyết định và công khai trước khi tuyển sinh, bảo đảm phù hợp với quy định trong Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và được ghi trong quyết định công nhận nghiên cứu sinh kèm theo kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khoá.[2]
4.2. Hình thức đào tạo
Hình thức đào tạo: Chính quy. Nghiên cứu sinh phải dành đủ thời gian học tập, nghiên cứu tại Trường Đại học Kinh tế - Luật theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó khi đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian. Nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng học tập trung liên tục tại Trường trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định nhập học.
5. Tổ chức hoạt động đào tạo
Tổ chức hoạt động đào tạo tiến sĩ tại Trường Đại học Kinh tế - Luật không chỉ hướng đến việc cung cấp kiến thức mà còn tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu năng động, đáp ứng nhu cầu phát triển của nghiên cứu sinh, trong đó, nhà trường chú trọng đến việc áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại, đảm bảo rằng mọi hoạt động giảng dạy đều phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Theo quy định hiện nay, việc đào tạo trình độ tiến sĩ được triển khai theo hình thức chính quy ở trụ sở chính hoặc tại phân hiệu đã được phép hoạt động đào tạo của cơ sở đào tạo, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật.
Cơ sở đào tạo được thỏa thuận để tổ chức giảng dạy những học phần học chung và công nhận kết quả học tập lẫn nhau.
Cơ sở đào tạo được tổ chức giảng dạy, đánh giá các học phần theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp
Việc đánh giá và tính điểm học phần trong chương trình đào tạo tiến sĩ được áp dụng quy định về đánh giá và tính điểm học phần theo quy chế đào tạo trình độ đại học.
6. Thay đổi trong quá trình đào tạo
Quá trình đào tạo tiến sĩ là một hành trình dài, song song với sự nghiêm túc và kiên trì từ nghiên cứu sinh là sự linh hoạt trong việc điều chỉnh các yếu tố liên quan đến đề tài nghiên cứu, người hướng dẫn và môi trường đào tạo. Trường đã có những quy định thuân thủ trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho nghiên cứu sinh, chế định về việc xử lý các vi phạm, nhằm duy trì tính kỷ luật và chất lượng trong đào tạo.
Theo Điều 10 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT thì “Nghiên cứu sinh và người hướng dẫn được đề xuất với cơ sở đào tạo về việc thay đổi đề tài luận án, bổ sung hoặc thay đổi người hướng dẫn, thay đổi đơn vị chuyên môn phụ trách và chuyển cơ sở đào tạo.”
Ngoài ra, nghiên cứu sinh bị buộc thôi học trong các trường hợp sau:
- Không hoàn thành chương trình đào tạo theo quy định
- Vi phạm nghiêm trọng quy định về thực hiện trách nhiệm của nghiên cứu sinh hoặc quy định của pháp luật đã được hội đồng chuyên môn hoặc cơ quan có thẩm quyền kết luận;
- Vi phạm quy định của cơ sở đào tạo ở mức độ buộc thôi học.[3]
Kết luận: Hiện nay các quy định liên quan đến tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế - Luật tuân thủ đúng và chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Trường Đại học Kinh tế - Luật và người học cần hiểu rõ các quy định trên để việc tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được thực hiện đúng quy định và đạt hiệu quả cao.
[1] Khoản 1 Điều 3 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT
[2] Điều 8 Quyết định 855/QĐ-ĐHKLT
[3] Khoản 2 Điều 10 Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT