Bản tin pháp luật số 10/2024

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 10/2024

CHỦ ĐỀ: NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ QUYỀN TÁC GIẢ THEO QUY ĐỊNH TẠI NGHỊ ĐỊNH 17/2023/NĐ-CP

Nghị định 17/2023/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 26/4/2023, đã mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong quy định về quyền tác giả, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại và môi trường số hóa. Đây là văn bản pháp lý mới nhất bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến quyền tác giả, với mục tiêu tăng cường bảo vệ quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu quyền, cũng như các cá nhân và tổ chức liên quan đến hoạt động sáng tạo. Nghị định tập trung vào việc mở rộng phạm vi bảo hộ quyền tác giả trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, đưa ra các biện pháp bảo vệ mới để ứng phó với những thách thức liên quan đến vi phạm bản quyền trên không gian mạng, và cập nhật quy định về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng tác phẩm.

I. Cơ sở pháp lý

- Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2009, 2019, và 2022.

- Nghị định số 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 26/4/2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

II. Những điểm mới về quyền tác giả theo quy định tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP

1. Quyền tác giả đối với bài giảng

Với đặc thù là môi trường đào tạo, giảng dạy, việc các bài giảng hay bài phát biểu, bài nói khác được xuất hiện thường xuyên và quen thuộc tại Trường Đại học Kinh tế - Luật đặt ra nhu cầu Giảng viên, Người lao động cần được nắm rõ các quy định của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành về Quyền tác giả đối với bài giảng.

Theo đó, Bài giảng của giảng viên được xác định là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điểm b, Khoản 1, Điều 14, Luật sở hữu trí tuệ). Theo khái niệm tại Khoản 3, Điều 2, Thông tư số 35/2021/TT-BGDĐT thì Bài giảng là tài liệu do giảng viên biên soạn để giảng dạy đối với học phần được phân công giảng dạy, trên cơ sở đề cương chi tiết của học phần, giáo trình giảng dạy chính thức, chuẩn đầu ra của học phần và chương trình đào tạo, tuy vậy, quyền bảo hộ với bài giảng theo Luật sở hữu trí tuệ lại định nghĩa một cách khác, Khoản 2, Điều 6, Nghị định 17/2023/NĐ-CP định nghĩa Bài giảng là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Như vậy, các giáo án, tập bài giảng bằng ngôn ngữ viết không thuộc phạm vi khái niệm được bảo hộ quyền tác giả với bài giảng theo Luật sở hữu trí tuệ.

Để có thể “định hình” tác phẩm, các chủ thể có thể thực hiện một trong những hành vi sau: biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt (Khoản 3, Điều 3, Nghị định 17/2023/NĐ-CP). Như vậy, các biểu hiện của hoạt động “định hình” tác phẩm có thể xác định được đối với bài giảng (được biểu hiện thông qua ngôn ngữ nói) là thông qua hoạt động ghi âm, ghi hình buổi thuyết giảng đó của giảng viên, đồng nghĩa với việc từ thời điểm tồn tại bản ghi âm, ghi hình thì phần thuyết giảng của giảng viên trở thành tác phẩm được bảo hộ bởi pháp luật sở hữu trí tuệ.

Quyền tác giả đối với bài giảng được quy định tại Điều 9, Nghị định 17/2023/NĐ-CP, theo đó, trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định trên, chủ thể xác lập quyền tác giả có thể chia làm hai trường hợp: Nếu giảng viên tự mình thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì giảng viên vừa là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài giảng của mình. Theo đó, họ có thể xác lập quyền nhân thân (quyền đặt tên, đứng tên, sửa chữa, công bố tác phẩm) và quyền tài sản (sao chép, làm tác phẩm phái sinh, truyền đạt, phân phối, nhận thù lao...) đối với bài giảng hay cụ thể là bản ghi âm, ghi hình đối với bài giảng của mình. Trong trường hợp, giảng viên là người thực hiện thuyết giảng nhưng nhà trường là chủ thể thực hiện việc định hình bài giảng dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình thì giảng viên sẽ là tác giả của bài giảng và nhà trường sẽ trở thành chủ sở hữu của quyền tác giả đối với bài giảng, đồng nghĩa với giảng viên sẽ nắm giữ quyền nhân thân và nhà trường sẽ nắm giữ quyền tài sản đối với bài giảng mà giảng viên thực hiện.

Trên thực tế, bài giảng của giảng viên diễn ra công khai với phạm vi rộng, thu hút sự tham gia và tiếp cận của nhiều đối tượng, nên việc sinh viên ghi âm, ghi hình bài giảng trở nên dễ dàng mà giảng viên khó có thể kiểm soát hay ngăn chặn. Nếu sinh viên thực hiện việc sao chép dưới hình thức tải bài giảng đó hay ghi hình bài giảng mà không xin phép thì có thể xác định yếu xâm phạm quyền tác giả khi sinh viên đang tạo ra bản sao từ một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của giảng viên (Điểm a, Khoản 3, Điều 66, Nghị định 17/2023/NĐ-CP), tuy nhiên, đối với hành vi ghi âm, vẫn còn thiếu cơ sở pháp lý để giảng viên có thể ngăn cấm và xử lý đối với sinh viên.

Trường Đại học Kinh tế - Luật đang ngày một đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung cũng như quyền tác giả nói riêng đến với sinh viên, giảng viên, người lao động tại Trường nhằm nâng cao ý thức của các chủ thể trong việc bảo vệ quyền tác giả. Cùng với đó, tích cực tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm bài giảng của giảng viên nói riêng và quyền tác giả của Trường nói chung, hoàn thiện quy chế, quy định của nhà trường để vừa bảo đảm phòng ngừa, răn đe hành vi vi phạm, vừa xử lý một cách hiệu quả đối với hành vi vi phạm.

2. Quyền tác giả đối với giáo trình

“Giáo trình” ngay từ Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được xác định là một loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả (Điểm a, Khoản 1, Điều 14), tuy nhiên, trong quy định của Luật và mãi đến cả Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định về quyền tác giả, quyền liên quan cũng không giải thích và đưa ra các điều kiện để xác định một tài liệu có phải là giáo trình hay không. Điều này gây khó khăn cho Trường trong việc xác định liệu tài liệu là giáo trình thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả.

Với mục tiêu ngày càng hoàn thiện các quy định, Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã giải thích thuật ngữ “giáo trình” tại Điểm c, Khoản 1, Điều 6. Theo đó, giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Căn cứ phát sinh quyền tác giả với giáo trình được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Luật sở hữu trí tuệ, theo đó, quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện d­ưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay ch­ưa công bố, đã đăng ký hay ch­ưa đăng ký.

Trên thực tế, hiện nay, tình trạng tự ý sao chép và photo giáo trình đại học để kinh doanh đang diễn ra khá phổ biến. Vì nhu cầu học liệu rẻ và tiện lợi của sinh viên, nhiều cá nhân và cơ sở photo vẫn ngang nhiên thực hiện mà không có sự cho phép của nhà trường hay tác giả. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 25, Nghị định 17/2023/NĐ-CP, sao chép hợp lí một tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm. Có thể thấy, việc sao chép tác phẩm chỉ không phải xin phép và không phải trả tiền khi tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân hoặc sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu. Bên cạnh đó, quy định tại Điểm g, Khoản 1, Điều 66, Nghị định 17/2023/NĐ-CP chỉ ra hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm là hành vi: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, các điều 25 và 25a của Luật Sở hữu trí tuệ.

Như vậy, việc sao chép sách giáo trình, sách tham khảo nhằm mục đích thương mại, kinh doanh hoặc tạo ra lợi nhuận là hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, thuộc trường hợp cần phải xin phép và chi trả nhuận bút, thù lao cho tác giả. Nếu các cơ sở photo tự ý in và bán lại sách giáo trình, sách tham khảo mà không xin phép hoặc không trả nhuận bút, thù lao, hành vi này sẽ được coi là xâm phạm quyền tác giả.

Hành vi tự ý sao chép giáo trình đại học để kinh doanh, Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP, chủ thể vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục như dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm trên môi trường điện tử, kỹ thuật số, hoặc tiêu hủy các tang vật vi phạm. Mức phạt trên được áp dụng cho cá nhân, nếu tổ chức vi phạm hành vi tương tự, mức phạt sẽ tăng gấp đôi, từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm (Khoản 2, Điều 3, Nghị định 131/2013/NĐ-CP). Ngoài ra, nếu hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xử lý theo Điều 225 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, về Tội xâm phạm quyền tác giả.

3. Các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả

So với Nghị định số 22/2018/NĐ-CP, Nghị định 17/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ của quyền tác giả, bao gồm: Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu (Khoản 3, Điều 8, Nghị định 17/2023/NĐ-CP), những đối tượng này, dù có giá trị trong nghiên cứu và ứng dụng thực tế, lại không đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ quyền tác giả, chủ yếu do tính chất phổ quát và không mang dấu ấn sáng tạo cá nhân. Trong môi trường đại học, các khái niệm này được ứng dụng rộng rãi và dễ dàng nhận thấy qua các ví dụ cụ thể như:

Quy trình là trình tự cần tuân thủ để thực hiện một công việc nhất định. Ví dụ như “Quy trình thanh tra định kỳ của Trường Đại học Kinh tế - Luật”, quy trình này có thể được phổ biến rộng rãi, vì nó là một trình tự mà nhiều trường khác có thể áp dụng tương tự, không phải là đối tượng bảo hộ độc quyền của riêng trường Đại học Kinh tế - Luật.

Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất. Trong giáo dục, một ví dụ điển hình là hệ thống đào tạo theo tín chỉ. Đây là một cấu trúc tổ chức gồm các môn học, điểm tín chỉ, và điều kiện xét tốt nghiệp, giúp sinh viên linh hoạt trong việc chọn môn học và quản lý thời gian học tập. Hệ thống này không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả, vì nhiều trường có thể cùng áp dụng để cải thiện chương trình đào tạo mà không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phương pháp được hiểu là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội. Ví dụ phương pháp nghiên cứu định lượng là cách thức thu thập và phân tích dữ liệu bằng các con số, sử dụng bảng biểu, phân tích thống kê, được áp dụng rộng rãi trong các trường đại học để giảng dạy và nghiên cứu. Do tính phổ biến và không có đặc điểm sáng tạo cá nhân, phương pháp này cũng không được bảo hộ quyền tác giả.

Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng. Ví dụ như khái niệm “Quy phạm pháp luật”, “bên thứ ba ngay tình”,...,thường được giảng dạy trong các chương trình đào tạo ngành luật tại Trường. Đây là những kiến thức nền tảng mà sinh viên có thể tìm thấy ở nhiều nguồn khác nhau, không phải là tài sản trí tuệ độc quyền của Trường hay bất kỳ cá nhân nào.

Nguyên lý là những định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác. Ví dụ như "nguyên lý cung cầu" trong kinh tế. Nguyên lý trên không được bảo hộ quyền tác giả, vì đây là tri thức chung, được ứng dụng trong nhiều bối cảnh giáo dục và kinh tế mà không thuộc quyền sở hữu của riêng cá nhân hay tổ chức nào.

4. Trích dẫn hợp lý các tác phẩm

Trong môi trường đại học, trích dẫn hợp lý các tác phẩm không chỉ thể hiện sự tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ mà còn là một trong những tiêu chuẩn cơ bản của học thuật và nghiên cứu. Tuy nhiên, sự dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu thông qua công nghệ hiện đại đã khiến nhiều sinh viên và thậm chí cả giảng viên quen với sao chép mà không trích dẫn đúng cách. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân mà còn gây ra những hệ lụy về mặt pháp lý, vi phạm quyền tác giả và làm suy giảm chất lượng học thuật. Theo đó, khi thực hiện trích dẫn một tác phẩm, thầy cô, sinh viên và người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện sau để không xâm phạm quyền tác giả (Điều 28, Nghị định 17/2023/NĐ-CP):

Thứ nhất, Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

Thứ hai, Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

Thứ ba, Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trong tác phẩm sử dụng để trích dẫn.

Kết luận:

Nghị định 17/2023/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng, giúp hoàn thiện khung pháp lý về quyền tác giả và quyền liên quan trong thời đại số, nơi mà sự sáng tạo và chia sẻ thông tin diễn ra liên tục và đa dạng. Những quy định mới tại Nghị định đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với việc bảo vệ quyền tác giả, từ việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm giảng dạy, nghiên cứu, đến việc quản lý, sử dụng hợp pháp các tác phẩm trong môi trường học thuật. Trước những thay đổi từ Nghị định 17/2023/NĐ-CP, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp thiết yếu để bảo vệ quyền tác giả, cũng như nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong toàn trường nhằm xây dựng một môi trường giáo dục công bằng, tôn trọng sáng tạo và sở hữu trí tuệ.