Bản tin pháp luật số 09/2024

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 09/2024

CHỦ ĐỀ: LIÊM CHÍNH HỌC THUẬT TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT

 

Với tầm nhìn xây dựng Trường Đại học Kinh tế - Luật phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu, liêm chính học thuật đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và duy trì một môi trường học tập trung thực, công bằng và chất lượng. Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), việc thực hiện liêm chính học thuật giúp nâng cao chất lượng đào tạo và góp phần xây dựng uy tín và danh tiếng của nhà trường trên bản đồ giáo dục quốc gia. Mỗi sinh viên, giảng viên, và cán bộ đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ các quy định về liêm chính, tránh xa những hành vi gian lận, đạo văn hay thiếu trung thực trong học tập, nghiên cứu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của bản thân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường học thuật trung thực, công bằng, và tôn trọng tri thức. Do đó, việc hiểu và tuân thủ các quy định về liêm chính là nền tảng xây dựng chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, đồng thời là kim chỉ nam tạo dựng một môi trường học thuật lành mạnh, nơi mà kiến thức và sự sáng tạo được tôn trọng và phát triển.

I. Cơ sở pháp lý

-         Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học;

-         Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL ngày 18/11/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật về việc Ban hành Quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Kinh tế - Luật;

-         Quyết định số 1104/QĐ-ĐHKTL ngày 24/5/2024 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về liêm chính học thuật tại Trường Đại học Kinh tế - Luật.

II. Quy định về liêm chính học thuật

1. Mục đích, phạm vi và đối tượng áp dụng

Trước khi đi sâu vào chi tiết về liêm chính học thuật, Trường xác định điều quan trọng là cần hiểu rõ những mục đích mà liêm chính học thuật hướng đến. Việc nhận thức đầy đủ về những mục tiêu này sẽ giúp làm sáng tỏ vai trò thiết yếu của liêm chính trong việc đảm bảo sự công bằng, minh bạch, và chất lượng của một môi trường giáo dục đại học, cũng như trong việc hình thành nên một nền tảng học thuật vững chắc và đáng tin cậy. Mục đích hoạt động liêm chính học thuật được quy định tại Điều 2, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Theo đó, có 04 mục đích chính khi thực hiện hoạt động liêm chính học thuật tại Trường Đại học Kinh tế - Luật:

Thứ nhất, định hướng các đối tượng áp dụng tuân thủ các chuẩn mực đạo đức trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật khác;

Thứ hai, tạo dựng môi trường học thuật đề cao tính trung thực, liêm chính và tinh thần trách nhiệm trong các hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật;

Thứ ba, nâng cao chất lượng và uy tín khoa học, tính liêm chính học thuật và tinh thần trách nhiệm của các cá nhân các nhà khoa học và của Trường ĐH-KTL trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế;

Thứ tư, hình thành cơ chế giám sát việc tuân thủ các chuẩn mực và quy tắc đạo đức trong nghiên cứu khoa học; loại trừ các trường hợp vi phạm đạo đức và chuẩn mực khoa học nhằm bảo đảm tính vẹn toàn của liêm chính học thuật.

Đối tượng áp dụng quy định liêm chính học thuật của Trường được quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL, theo đó, quy định trên áp dụng đối với toàn bộ viên chức, người lao động và người học (đại học và sau đại học) thuộc quyền quản lý và sử dụng của trường Đại học Kinh tế - Luật có thực hiện hoặc tham gia thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật khác. Bên cạnh đó, những tổ chức, cá nhân ngoài Trường Đại học Kinh tế - Luật đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật khác có liên quan hoặc theo sự uỷ nhiệm của trường Đại học Kinh tế - Luật cũng phải tuân thủ về quy định liêm chính học thuật của Trường.

Theo khoản 1, Điều 1, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL, Đối tượng trên được áp dụng trên phạm vi hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật khác tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, đồng thời điều chỉnh việc tuân thủ liêm chính học thuật đối với các hoạt động nghiên cứu thực hiện ngoài trường Đại học Kinh tế - Luật nhưng có liên quan hoặc gắn kết quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Trường.

2. Cách thức thực hiện liêm chính học thuật

Cách thức thực hiện liêm chính học thuật được quy định tại Điều 7, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL. Theo đó, việc thực hiện hoạt động liêm chính học thuật được diễn ra như sau:

Thứ nhất, Trích dẫn nguồn tham khảo rõ ràng, minh bạch. Sử dụng cách thức trích dẫn phù hợp, phản ánh đúng và đầy đủ thông tin nguồn trích dẫn.

Thứ hai, Ghi lời cam kết trong các công bố kết quả nghiên cứu và các sản phẩm khoa học khác.

Thứ ba, Ghi lời cảm tạ đúng, đầy đủ và phù hợp. Nội dung lời cảm ạt cần thông tin chính xác cá nhân, nhóm cá nhân hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học và học thuật khác nhưng không phải là đồng tác giả; cá nhân, ổt chức, đơn vị hỗ trợ và tài trợ hoạt động khoa học và những đối tượng có liên quan đã góp phần cho việc công bố ấn phẩm và sản phẩm khoa học của bản thân.

Thứ tư, Tuyên bố rõ ràng về các lợi ích xung đột. Những xung đột về mặt tài chính hay các vấn đề có liên quan khác có thể ảnh hưởng đến độ tin cậy của nghiên cứu cần phải được trình bày rõ trong đề cương nghiên cứu, ấn phẩm xuất bản, truyền thông đến công chúng cũng như quá trình bình duyệt.

Cuối cùng, Thực hiện truyền thông kết quả nghiên cứu đến công chúng theo phương thức và cách thức phù hợp. Tác giả/ nhóm tác giả sử dụng các phương thức truyền thông đối với kết quả nghiên cứu của mình với tư cách cá nhân. Truyền thông các kết quả nghiên cứu của tập thể, của đồng tác giả được thực hiện theo phương thức đã thống nhất. Các nghiên cứu được thực hiện theo sự tài trợ và bảo trợ của đơn vị cần tuân thủ các quy chế thông tin, truyền thông của đơn vị tài trợ, bảo trợ.

3. Trách nhiệm của người thực hiện nghiên cứu khoa học và học thuật khác

Trong quá trình nghiên cứu khoa học và thực hiện các hoạt động học thuật, trách nhiệm của mỗi cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính trung thực, minh bạch và chất lượng của kết quả nghiên cứu. Những người tham gia vào quá trình này không chỉ có trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và quy định liêm chính học thuật, mà còn phải cam kết duy trì sự chính xác, khách quan, và đóng góp tích cực vào sự phát triển của tri thức. Quy định về trách nhiệm của người thực hiện nghiên cứu khoa học và học thuật khác được đề cập tại Điều 9, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Có ý thức nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu. Chủ động tự đào tạo và tự nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiên cứu. Tự rèn luyện và bồi đắp đạo đức khoa học.

Thứ hai, Giữ thái độ nghiêm túc và luôn minh bạch các hoạt động nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu khoa học. Không tham gia và cổ vũ tham gia xu hướng trích dẫn qua lại trong nhóm tác giả.

Thứ ba, Tránh các biểu hiện háo danh và các hành vi có thể làm thay đổi tính chất khoa học của các hoạt động và kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thứ tư, Có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng khoa học, chuyên môn về liêm chính học thuật.

Thứ năm, Chịu trách nhiệm về độ tin cậy đối với nội dung nghiên cứu và công bố. Có hình thức báo cáo và giải thích đầy đủ, khách quan các đóng góp đối từ kết quả nghiên cứu khoa học của bản thân.

Thứ sáu, Bảo đảm tính chính danh trong nghiên cứu khoa học. Có trách nhiệm ghi nhận đầy đủ các tác giả cùng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và sản phẩm khoa học được công bố. Không tham gia và cổ vũ việc tham gia đứng tên tác giả đối với sản phẩm khoa học được hình thành, tạo dựng bởi những tác giả hay nhóm tác giả khác. Không để người khác đứng tên hoặc cùng đứng tên tác giả sản phẩm khoa học, sáng tạo của mình.

Thứ bảy, Trung thực trong việc ghi nhận các thông tin của quá trình nghiên cứu khoa học. Ghi chú đúng thông tin các đồng tác giả cùng tham gia nghiên cứu; các tổ chức, cá nhân và đơn vị hỗ trợ và góp phần hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu của người nghiên cứu.

Thứ tám, Trích dẫn phù hợp, đúng và đầy đủ các tài liệu tham khảo được sử dụng, trích dẫn trong các sản phẩm nghiên cứu của bản thân theo các quy định phù hợp của các tổ chức tiếp nhận và xét duyệt kết quả nghiên cứu. Không sao chép ý tưởng khoa học của người khác. Không sao chép, giả mạo hay thay đổi thông tin, điều chỉnh dữ liệu sẵn có của các tác giả khác; không thực hiện hành vi đạo văn và tự đạo văn cũng như có trách nhiệm kiểm tra, rà soát nhằm tránh tình trạng trùng lặp nội dung nghiên cứu của các nghiên cứu trước.

Thứ chín, Không can thiệp hay tác động vào quá trình xét duyệt các kết quả nghiên cứu và công bố kết quả nghiên cứu.

4. Xử lý vi phạm liêm chính học thuật

Trong quá trình xây dựng và duy trì một môi trường học thuật chuẩn mực, việc xử lý các vi phạm liêm chính học thuật đóng vai trò thiết yếu, không chỉ nhằm bảo vệ sự công bằng và trung thực trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, mà còn để khẳng định cam kết của nhà trường đối với chất lượng giáo dục và đạo đức nghề nghiệp. Quy định về nội dung trên xuất hiện tại Điều 14, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL.

Việc xử lý vi phạm liêm chính học thuật trong phạm vi của Trường Đại học Kinh tế – Luật được áp dụng với 02 đối tượng chính là viên chức, người lao động và người học.

Đối với Viên chức, người lao động vi phạm liêm chính học thuật tùy mức độ sẽ bị kỷ luật theo trình tự tăng dần quy định tại Khoản 1, Điều 14, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL:

Với mức độ đầu tiên, Lãnh đạo đơn vị trao đổi, nhắc nhở trực tiếp.

Với mức độ nhẹ, Nhắc nhở, phê bình tại cuộc họp đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật (không ghi nhận trong Biên bản cuộc họp).

Với mức độ nghiêm trọng hơn, Phê bình công khai trong cuộc họp đơn vị thuộc và trực thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật và ghi nhận vào Biên bản cuộc họp.

Với mức độ nghiêm trọng, tùy vào tính chất mà xử lý theo Điều 6 về "Hình thức xử lý vi phạm quy định về trích dẫn" của QĐ số 1587/QĐ-ĐHKTL ngày 24/12/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật ban hành quy định về Trích dẫn và xử lý vi phạm quy định về trích dẫn trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học". Cụ thể có những hình thức xử lý sau:

Thứ nhất, Hoãn có thời hạn việc bảo vệ, đánh giá nghiệm thu tác phẩm (từ 01 tháng đến 06 tháng).

Thứ hai, Không cho bảo vệ, nghiệm thu tác phẩm.

Thứ ba, Trừ điểm từ 25% đến 50% đối với tác phẩm vi phạm thuộc khoản 1 Điều này nếu vi phạm chưa được khắc phục hoặc khắc phục chưa đạt yêu cầu.

Thứ tư, Hủy bỏ kết quả đánh giá các tác phẩm bao gồm luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp, báo cáo/đồ án tốt nghiệp và các công trình nghiên cứu khoa học vi phạm quy định về trích dẫn.

Đối với người học, trong trường hợp vi phạm liêm chính học thuật tuỳ mức độ sẽ bị kỷ luật theo các hình thức quy định tại Khoản 2, Điều 14, Quyết định số 975/QĐ-ĐHKTL:

Với trường hợp nhẹ, Lãnh đạo đơn vị đào tạo phụ trách người học trao đổi, nhắc nhở trực tiếp.

Với trường hợp nặng hơn, Người học sẽ bị Xử lý theo Điều 6 về "Hình thức xử lý vi phạm quy định về trích dẫn" của QĐ số 1587/QĐ-ĐHKTL ngày 24/12/2019 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật ban hành quy định về Trích dẫn và xử lý vi phạm quy định về trích dẫn trong hoạt động học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học".

 Với cả hai đối tượng được đề cập, trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng hoặc vẫn tiếp tục vi phạm sau khi đã được phê bình, nhắc nhở, Phòng SĐH&KHCN trình Hội đồng liêm chính học thuật xem xét và áp dụng các hình thức xử lý theo quy định của Trường Đại học Kinh tế - Luật.

 

Kết luận: Liêm chính học thuật là nền tảng thiết yếu cho sự phát triển bền vững của một môi trường giáo dục và nghiên cứu chuyên nghiệp tại Trường Đại học Kinh tế - Luật. Việc tuân thủ các quy định về liêm chính không chỉ đảm bảo sự minh bạch và chất lượng trong học tập, nghiên cứu mà còn góp phần củng cố giá trị cốt lõi của nhà trường trong việc đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và đạo đức. Thực hiện đúng cam kết về liêm chính là phương thức để xây dựng một cộng đồng học thuật đáng tin cậy, nơi tri thức được tôn trọng và phát huy một cách trọn vẹn. Sự nghiêm túc trong việc xử lý vi phạm liêm chính học thuật chính là minh chứng cho quyết tâm của Trường Đại học Kinh tế - Luật trong việc giữ vững chuẩn mực và nâng cao uy tín học thuật.