Bản tin pháp luật số 02/2024

Quy định về tuyển dụng viên chức

 

  1. Cơ sở pháp lý

    - Luật Viên chức số 58/2010/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2010.

    - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 ngày 25 tháng 11 năm 2019.

    - Nghị định 85/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (Nghị định 85/2023/NĐ-CP).

    - Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

  2. Một số quy định mới nổi bật liên quan đến tuyển dụng viên chức

2.1. Căn cứ tuyển dụng viên chức

Việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, một trong những điểm mới về căn cứ tuyển dụng viên chức đáng chú ý tại Nghị định 85/2023/NĐ-CP là thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm được đăng ký 02 nguyện vọng là một trong những nội dung được thể hiện trong thông báo tuyển dụng nêu tại Phiếu đăng ký dự tuyển ban hành kèm Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Cụ thể về nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:

a) Số lượng người làm việc được giao và số lượng người làm việc chưa sử dụng của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Số lượng người cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng. Các vị trí việc làm thí sinh được đăng ký 02 nguyện vọng phải có tiêu chuẩn, điều kiện giống nhau, cùng Hội đồng thi, áp dụng hình thức thi viết (vòng 2) và chung đề thi;

c) Số lượng vị trí việc làm cần tuyển đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định rõ chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;

d) Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm;

đ) Hình thức và nội dung thi tuyển hoặc xét tuyển;

e) Các nội dung khác (nếu có).

Bên cạnh đó, đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 85/2023/NĐ-CP xây dựng và quyết định kế hoạch tuyển dụng theo quy định tại khoản này mà không phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập phê duyệt. Quy định mới này tạo điều kiện hơn cho các đơn vị sự nghiệp công lập linh hoạt trong việc xây dựng cũng như quyết định về kế hoạch tuyển dụng mà không cần phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền, tránh mất thời gian.

 

2.2. Điều kiện đăng ký dự tuyển viên chức

Để đăng ký dự tuyển viên chức, người có nhu cầu dự tuyển phải đáp ứng được các điều kiện về đăng ký dự tuyển. Theo đó, điều kiện đăng ký dự tuyển thực hiện theo quy định tại Điều 22 Luật Viên chức. Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng viên chức quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Viên chức được bổ sung các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí việc làm quy định tại điểm g khoản 1 Điều 22 Luật Viên chức nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo.

Bên cạnh đó, đối với người đăng ký dự tuyển vào vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao có thể thấp hơn 18 tuổi nhưng phải từ đủ 15 tuổi trở lên và được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.

2.3. Hình thức, nội dung và thời gian thi tuyển viên chức

Đối với hình thức thi tuyển, thi tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng thi như sau:

Vòng 1: Thi kiểm tra kiến thức chung bằng hình thức trắc nghiệm trên máy vi tính.

Nội dung thi gồm 02 phần, cụ thể như sau:

a) Phần I: Kiến thức chung, 60 câu hỏi hiểu biết về pháp luật viên chức, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật về ngành, lĩnh vực tuyển dụng. Thời gian thi 60 phút.

Trường hợp đã đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thì được miễn thi Phần I.

b) Phần II: Ngoại ngữ, 30 câu hỏi theo yêu cầu của vị trí việc làm bằng một trong năm thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc hoặc lựa chọn 01 ngoại ngữ khác theo yêu cầu của vị trí việc làm. Thời gian thi 30 phút.

Đây là một trong những quy định mới đáng chú ý của Nghị định 85/2023/NĐ-CP. Theo đó, ở vòng thi thứ nhất kiểm tra các kiến thức chung chỉ quy định gồm hai phần là kiến thức chung và thi ngoại ngữ. Những quy định liên quan đến thi tin học trong Nghị định mới này đã không còn. Có thể thấy, quy định này giúp cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết được khó khan, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng cũng như một phần giúp trình tự, thời gian tuyển dụng viên chức được tinh gọn hơn.

Quy định mới cũng bổ sung thêm trường hợp không phải thi ngoại ngữ, cụ thể “Đối với vị trí việc làm không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì không phải tổ chức thi Phần II”. Như vậy, theo quy định này thì nếu vị trí việc làm nào không cần ngoại ngữ thì thí sinh sẽ không phải thi ngoại ngữ.

Ngoài ra, như quy định trước đây thì việc thi kiểm tra kiến thức chung tại vòng 1 được quy định là thi trắc nghiệm trên máy tính nhưng nếu chưa có điều kiện tổ chức thi trên máy tính thì có thể thực hiện thi vòng này trên giấy. Tuy nhiên, Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã quy định việc thi kiến thức chung phải thực hiện bằng trắc nghiệm trên máy tính và không có trường hợp ngoại lệ. Do đó, các đơn vị tổ chức thi tuyển phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện thi trên máy tính cho phần thi ở vòng 01 tuyển dụng viên chức này.

Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành

a) Hình thức thi: Căn cứ vào tính chất, đặc điểm và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn một trong ba hình thức thi: Vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết.

Trường hợp lựa chọn hình thức thi viết thì được lựa chọn một trong ba hình thức: Trắc nghiệm hoặc tự luận hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận.

b) Nội dung thi: Kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

Nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành phải căn cứ vào nhiệm vụ, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp viên chức và phải phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Trong cùng một kỳ thi tuyển, nếu có các vị trí việc làm yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau thì Hội đồng tuyển dụng viên chức phải tổ chức xây dựng các đề thi môn nghiệp vụ chuyên ngành khác nhau tương ứng với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển. Các công việc liên quan đến việc ra đề thi phải thực hiện bảo mật theo quy định của pháp luật.

c) Thời gian thi: Vấn đáp 30 phút (thí sinh dự thi có không quá 15 phút chuẩn bị, không tính vào thời gian thi); viết 180 phút (không kể thời gian chép đề); thời gian thi thực hành do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của vị trí việc làm cần tuyển.

d) Thang điểm (vấn đáp, thực hành, viết): 100 điểm.

đ) Căn cứ vào nhu cầu và đặc thù của cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định yêu cầu cao hơn về nội dung, hình thức, thời gian thi vòng 2 quy định tại khoản này.

2.4. Nội dung, hình thức xét tuyển viên chức

Bên cạnh thi tuyển viên chức, người tham gia dự tuyển có thể đăng ký tham gia theo hình thức xét tuyển. Hình thức xét tuyển viên chức được thực hiện theo 02 vòng như sau:

1. Vòng 1: Kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm thì cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng phải thông báo cụ thể yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ. Nếu có một trong các văn bằng, chứng chỉ quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 85/2023/NĐ-CP thì được sử dụng thay thế. Nếu không có văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ phù hợp thì Hội đồng xét tuyển tổ chức sát hạch để đánh giá năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng.

Hội đồng tuyển dụng kiểm tra việc đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ theo thông tin người dự tuyển kê khai tại Phiếu đăng ký dự tuyển. Sau khi trúng tuyển, người trúng tuyển nộp bản sao văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

2. Vòng 2 được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 85/2023/NĐ-CP.

2.5. Trình tự thủ tục tuyển dụng viên chức

Các đơn vị sự nghiệp công lập khi có nhu cầu tuyển dụng viên chức phải thực hiện đúng các trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, cụ thể có 5 bước thực hiện tuyển dụng viên chức như sau:

Bước 1: Thông báo tuyển dụng và tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển[1]

Bước 2: Tổ chức tuyển dụng[2]

Bước 3: Thông báo kết quả tuyển dụng viên chức[3]

Bước 4: Hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng[4]

Bước 5: Ký kết hợp đồng nhận việc và làm việc[5].

Tóm lại, việc xây dựng đội ngũ viên chức đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới thì vai trò của công tác tuyển dụng và các cơ quan liên quan trong công tác tuyển dụng là rất quan trọng. Do đó, Nghị định 85/2023/NĐ-CPđãsửa đổi, bổ sung vàhoàn thiện hơn về quy định cho hoạt động tuyển dụng viên chức.Vì vậy các đơn vị cần cập nhật điều chỉnh công tác tuyển dụng viên chức tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.


[1]Khoản 8, Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP

[2]Điều 15, Nghị định 115/2020/NĐ-CP

[3]Điều 16, Nghị định 115/2020/NĐ-CP

[4]Điều 17, Nghị định 115/2020/NĐ-CP

[5]Điều 18, Nghị định 115/2020/NĐ-CP