Bản tin Pháp luật số 8

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 08

CHỦ ĐỀ MỞ NGÀNH ĐÀO TẠO TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

 

  1. Các cơ sở pháp lý về mở ngành đào tạo trình độ đại học

    Văn bản quy phạm pháp luật quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học đó là: Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học; Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

    Trong đó quy định mới và chi tiết nhất về mở ngành đào tạo trình độ đại học được thể hiện tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 04/03/2022.

    Các quy định chính của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT bao gồm:

    • Điều kiện mở ngành đào tạo
    • Trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo.

    Theo đó, các quy định về mở ngành tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018; Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018.

    Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã có các quy định bổ sung và làm rõ hơn một số khái niệm liên quan quy định tại Thông tư để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất và minh bạch như: Khái niệm về ngành phù hợp; Chuyên môn phù hợp; Ngành đào tạo; Nhóm ngành đào tạo; Lĩnh vực đào tạo; Giảng viên toàn thời gian; Giảng viên thỉnh giảng; Ngành đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật; Nhóm ngành Đào tạo giáo;  Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe; Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật; Thành phần của chương trình đào tạo và các khái niệm khác có liên quan để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất trên cả nước.

  2. Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học hiện nay
  1. Điều kiện chung để mở ngành đào tạo trình độ đại học

    Tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định cơ sở đào tạo phải đáp ứng điều kiện chung khi mở ngành đào tạo trình độ đại học bao gồm:

    • Ngành đào tạo và trình độ đào tạo dự kiến mở;
    • Đội ngũ giảng viên;
    • Cơ sở vật chất.

    Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, yêu cầu bắt buộc về điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo đó là phải có bản quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc tế về sách, tạp chí khoa học liên quan đến ngành đào tạo, đáp ứng yêu cầu của ngành và trình độ đào tạo, phù hợp với quy mô đào tạo.

    Ngoài ra, cơ sở đào tạo phải đáp ứng các điều kiện khác như chương trình đào tạo có ngành đề xuất mở được xây dựng thẩm định và ban hành bảo đảm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo có lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo và phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam; phải có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở. Phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định.

  2. Điều kiện cụ thể để mở ngành đào tạo trình độ đại học

    Cơ sở đào tạo mở ngành đào tạo trình độ đại học ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành đào tạo còn phải đáp ứng các điều kiện cụ thể được quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

  1. Những điểm mới về điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học hiện nay

    Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT nêu rõ:

    Đối với mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo tối thiểu đầy đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 02 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định; có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học. Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

    Điều kiện về cơ sở vật chất khi mở ngành đào tạo đã quy định phải bảo đảm tối thiểu đầy đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học, trong đó phải có kế hoạch cụ thể về phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị cụ thể của từng phòng thí nghiệm, thực hành phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành và phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học và phải có cam kết trong đề án mở ngành đào tạo. Đối với lĩnh vực Pháp luật yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

    Ngoài ra, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT đã có các quy định cụ thể về điều kiện phải có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở; quy định về việc cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định, ngoài các điều kiện khác như: tên ngành đào tạo, nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, thư viện và các điều kiện khác có liên quan.

  2. Trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học

Theo Điều 7, 8, 9, 10, 11 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định để mở ngành đào tạo trình độ đại học, cơ sở đào tạo cần tuân thủ thực hiện theo trình tự và thủ tục sau:

  1. Xây dựng, đề xuất và phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo;
  2. Xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo;
  3. Thẩm định đề án mở ngành đào tạo;
  4. Hồ sơ mở ngành đào tạo;
  5. Phê duyệt đề án và quyết định mở ngành đào tạo.

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện đồng bộ việc mở ngành đào tạo; tạo thuận lợi cho công tác giám sát quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội.