BẢN TIN SỐ 01
PHÁP LUẬT VỀ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỐI SỐ
TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
I. QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỐI SỐ TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Liên quan đến hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học, có các văn bản pháp luật như sau:
- Quyết định 131/QĐ-TTG phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” ngày 25 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT ban hành Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong đó, chi tiết hướng dẫn hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học được quy định trọng tâm, đề ra các tiêu chí đánh giá chuyển đổi số đối với cơ sở giáo dục đại học tại Quyết định 4740/QĐ-BGDĐT.
II. MỤC TIÊU CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Căn cứ Khoản 1 Mục II Quyết định 131/QĐ-TTG, mục tiêu chung của hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục là tận dụng tiến bộ công nghệ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục; xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra các mục tiêu chi tiết để thực hiện trong lĩnh vực giáo dục đại học như sau:
1. Mục tiêu đến năm 2025[1]
- Về tiếp cận giáo dục trực tuyến: mỗi sinh viên và mỗi giảng viên có đủ điều kiện (về phương tiện, đường truyền, phần mềm) tham gia có hiệu quả các hoạt động dạy và học trực tuyến.
- Về môi trường giáo dục trực tuyến
+ Hình thành một số nền tảng dạy và học trực tuyến là sản phẩm trong nước, được trên 50% sinh viên sử dụng;
+ Hơn 50% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.
- Về quy mô hoạt động giáo dục trực tuyến
+ Tỉ trọng lớp học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục đại học đạt trung bình 20%;
+ Trong số người học lấy văn bằng đại học thứ hai, có ít nhất 50% theo học hình thức trực tuyến (với thời lượng trực tuyến chiếm hơn 50%).
2. Mục tiêu đến năm 2030[2]
Giáo dục đại học số trở thành một trụ cột của hệ thống giáo dục đại học, chiếm tỉ trọng 30% quy mô; 100% cơ sở giáo dục đại học cung cấp các chương trình đào tạo (cấp bằng) hình thức từ xa, trực tuyến.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Theo Mục III Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Quyết định 131/QĐ-TTG nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể đối với hoạt động chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học bao gồm:
- Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin các hệ thống số hóa, đảm bảo an toàn trong các hoạt động dạy - học và làm việc trên môi trường số. Ưu tiên sử dụng các mô hình dịch vụ trên nền tảng đám mây; đảm bảo kết nối Internet cáp quang tới tất cả các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ dịch vụ Internet cho người học và đội ngũ giáo viên; có chính sách máy tính phù hợp cho sinh viên (điểm a khoản 1 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Hình thành, phát triển hệ thống phòng học tương tác thông minh, phòng thí nghiệm/thực hành (Lab) hiện đại, phòng Lab mô phỏng, ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), công nghệ học máy, công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào các lĩnh vực nghiên cứu, thực hành (điểm b khoản 1 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Đổi mới mô hình dạy – học: Xây dựng một số trung tâm đào tạo và nghiên cứu xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư cho giáo dục đại học (điểm a khoản 2 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Phát triển kho học liệu số chia sẻ dùng chung: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số kết nối liên thông với các kho học liệu số, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo đại học; phát triển các phòng thí nghiệm ảo, các phòng thực hành và thực tập ảo nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo trong giáo dục đại học (điểm b khoản 2 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Phát triển, ứng dụng nền tảng cung cấp các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs), tăng cường công nhận tín chỉ các khóa học trực tuyến giữa các cơ sở giáo dục đại học (điểm c khoản 2 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số tại một số cơ sở giáo dục đại học (điểm c khoản 2 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Rà soát, cải cách các mô hình quản trị cơ sở giáo dục đại học (quản lý tuyển sinh, quản lý chương trình đào tạo, quản lý thông tin người học, quản lý thông tin đội ngũ, quản lý cơ sở vật chất, quản lý tài chính, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học, quản trị văn phòng điện tử, quản lý các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khác) (điểm a khoản 3 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG);
- Ban hành chính sách máy tính giáo dục cho sinh viên (điểm c khoản 6 Mục III Quyết định 131/QĐ-TTG).
IV. TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHUYỂN ĐỔI SỐ CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
Căn cứ Điều 4 Quyết định 4740/QĐ- BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo quy định cấu trúc của Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học gồm 02 nhóm tiêu chí thành phần như sau:
- Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong đào tạo”.
- Nhóm tiêu chí “Chuyển đổi số trong quản trị cơ sở giáo dục đại học”.
Cụ thể, thành phần của bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học được liệt kê trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 4740/QĐ- BGDĐT.
Chuyển đổi số đã trở thành xu thế lớn, tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm hay đổi mạnh mẽ cách thức, phương pháp hoạt động của con người. Do đó, tiến hành đổi mới trong giáo dục đại học không thể không đề cập đến những tác động của hoạt động chuyển đổi số.
[1] Khoản 2 Mục II Quyết định 131/QĐ-TTG
[2] Khoản 2 Mục II Quyết định 131/QĐ-TTG