Bản tin pháp luật số 9

CHỦ ĐỀ: KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - LUẬT

 

1. Cơ sở pháp lý

- Luật giáo dục 2019

- Văn bản hợp nhất Luật giáo dục đại học số 42/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018

- Thông tư Số 12/2017/TT-BGDĐT ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học

- Thông tư Số 13/2023/TT-BGDĐT quy định việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm

- Quy chế đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm theo Quyết định số 1520/QĐ-ĐHQG ngày 29/12/2017 của Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

- Quy trình số 35/QT-KT&ĐBCL ngày 24/05/2021 về đăng ký đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo

- Quy trình thực hiện đón tiếp Đoàn đánh giá/ kiểm định chương trình đào tạo được ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-ĐHKTL ngày 07/06/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật.

2. Quy định của pháp luật về kiểm định chất lượng giáo dục đại học

2.1. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục đại học[1]

1. Xây dựng và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong cơ sở giáo dục đại học phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục đại học.

2. Xây dựng chính sách, kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.

3. Tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục đại học không thực hiện kiểm định chương trình theo chu kỳ kiểm định hoặc kết quả kiểm định chương trình không đạt yêu cầu phải cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho người học đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Sau 02 năm, kể từ ngày giấy chứng nhận kiểm định chất lượng đào tạo hết hạn hoặc từ ngày có kết quả kiểm định không đạt yêu cầu, nếu không thực hiện kiểm định lại chương trình hoặc kết quả kiểm định lại vẫn không đạt yêu cầu thì cơ sở giáo dục đại học phải dừng tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó và có biện pháp bảo đảm quyền lợi cho người học.

4. Duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, bao gồm đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên; chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập; phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, thư viện, hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở thực hành; nguồn lực tài chính, ký túc xá và cơ sở dịch vụ khác.

5. Hằng năm, báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu chất lượng giáo dục đại học theo kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; công bố công khai điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng.

 

2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học về kiểm định chất lượng giáo dục đại học[2]

1. Chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

3. Được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo.

4. Được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

 

2.3 Quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT thì Quy trình kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục được thực hiện theo các bước sau:

(a) Tự đánh giá;

(b) Đánh giá ngoài;

(c) Thẩm định kết quả đánh giá

(d) Công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục

Bên cạnh đó, chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục được quy định là 5 năm, được thực hiện trước khi giấy phép hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hết thời hạn.

 

2.4 Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục

Nguyên tắc kiểm định chất lượng giáo dục đại học được quy định như sau:

a) Độc lập, khách quan, đúng pháp luật;

b) Trung thực, công khai, minh bạch;

c) Bình đẳng, bắt buộc, định kỳ.

 

2.5 Đối tượng kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm:

a) Cơ sở giáo dục đại học;

b) Chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

 

2.6 Tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục

Đây được đánh giá là một điểm mới liên quan đến việc kiểm định chất lượng giáo dục mà pháp luật đã kịp thời đưa ra nhằm cụ thể hơn các tiêu chuẩn làm căn cứ đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo đó, tại Điều 8 Thông tư 13/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực ngày 11/08/2023 đã đưa ra 05 tiêu chuẩn đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm bao gồm:

Tiêu chuẩn 1: Tổ chức và quản lý;

Tiêu chuẩn 2: Đội ngũ lãnh đạo, kiểm định viên, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục;

Tiêu chuẩn 3: Cơ sở vật chất, trang thiết bị;

Tiêu chuẩn 4: Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;

Tiêu chuẩn 5: Công khai, minh bạch hoạt động.

 

3. Quy định của Trường Đại học Kinh tế - Luật liên quan đến kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục

3.1. Quy trình đăng ký đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo

Phòng đảm bảo chất lượng thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật cũng đã ban hành Quy trình đăng ký đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo. Về cơ bản, lưu đồ thực hiện quy trình này bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Tham mưu Ban giám hiệu các Chương trình đào tạo đăng ký đánh giá/ kiểm định

Bước 2: Ban giám hiệu chỉ đạo các Khoa tự rà soát các Chương trình đào tạo

Bước 3: Khoa tự rà soát các Chương trình đào tạo

Bước 4: Khoa đăng ký tên Chương trình đào tạo đánh giá/ kiểm định

Bước 5: Đăng ký tên Chương trình đào tạo với tổ chức đánh giá/ kiểm định

Bước 6: Xác nhận đăng ký thành công

Bước 7: Lập kế hoạch đánh giá/ kiểm định chung cho các Chương trình đào tạo

Bước 8: Lập kế hoạch tự đánh giá riêng cho Khoa

 

Chi tiết tham khảo tại đường link đính kèm như sau: Quy trình đăng ký đánh giá, kiểm định chương trình đào tạo (uel.edu.vn)

 

3.2. Quy trình thực hiện đón tiếp Đoàn đánh giá/ Kiểm định chất lượng giáo dục

Trường đại học Kinh tế - Luật cũng đã ban hành Quy trình thực hiện đón tiếp Đoàn đánh giá/ Kiểm định chất lượng giáo dục với các bước như sau:

Bước 1: Nhận thông tin lịch đánh giá/ kiểm định

Bước 2: Dự thảo kế hoạch đánh giá/ kiểm định

Bước 3: Ban giám hiệu họp và giao nhiệm vụ

Bước 4: Ban giám hiệu duyệt kế hoạch đánh giá/ kiểm định

Bước 5: Quyết định thành lập Ban Tổ chức, Tổ tài chính – hậu cần

Bước 6: Ban Tổ chức, Tổ Tài chính – hậu cần họp phân công nhiệm vụ

Bước 7: Triển khai kế hoạch

Bước 8: Rà soát công tác chuẩn bị

Bước 9: Chính thức đón tiếp đoàn đánh giá/ kiểm định

Bước 10: Tổng kết hoạt động và thanh quyết toán

 

Chi tiết tham khảo tại đường link đính kèm như sau: Quy trình thực hiện đón tiếp đoàn đánh giá/ kiểm định chương trình đào tạo (uel.edu.vn)

 

Tóm lại, hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục là một trong những công tác quan trọng đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Trong quá thực hiện hoạt động này, Trường Đại học Kinh tế - Luật cần tuân thủ theo quy định của pháp luật, quy định của Đại học quốc gia[3] và quy định nội bộ của Trường.

 



[1] Điều 50, VBHN Số 42/VBHN-VPQH

[2] Điều 51 VBHN Số 42/VBHN-VPQH

[3] Quy chế đảm bảo chất lượng giáo dục đại học tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn từ: Quy chế đảm bảo chất lượng giáo dục Đại học tại ĐHQG TP. Hồ Chí Minh (uel.edu.vn)