Bản tin Pháp luật số 10

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 10

CHỦ ĐỀ PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO THEO TÍN CHỈ

TẠI CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

           

  1. Cơ sở pháp lý quy định phương thức đào tạo theo tín chỉ tại cơ sở giáo dục đại học

           Phương thức đào tạo theo tín chỉ tại cơ sở giáo dục đại học được quy định cụ thể, chi tiết tại Quy chế đào tạo trình độ Đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT.

           Theo đó Khoản 2 Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ Đại học ban hành kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT quy định về phương thức đào tạo theo tín chỉ tại cơ sở giáo dục đại học như sau:

    a) Là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo;

    b) Sinh viên không đạt một học phần bắt buộc sẽ phải học lại học phần đó hoặc học một học phần tương đương theo quy định trong chương trình đào tạo, hoặc học một học phần thay thế nếu học phần đó không còn được giảng dạy;

    c) Sinh viên không đạt một học phần tự chọn sẽ phải học lại học phần đó hoặc có thể chọn học một học phần tự chọn khác theo quy định trong chương trình đào tạo.

           Như vậy theo quy định trên đào tạo theo tín chỉ là phương thức tổ chức đào tạo theo từng lớp học phần, cho phép sinh viên tích lũy tín chỉ của từng học phần và thực hiện chương trình đào tạo theo kế hoạch học tập của cá nhân, phù hợp với kế hoạch giảng dạy của cơ sở đào tạo.

    Đào tạo theo tín chỉ là phương thức bắt buộc trong giáo dục đại học?

    Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT quy định cơ sở đào tạo lựa chọn, áp dụng phương thức tổ chức đào tạo như sau:

    a) Đào tạo theo tín chỉ, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;

    b) Đào tạo theo niên chế, áp dụng thống nhất cho tất cả các khóa và hình thức đào tạo;

    c) Áp dụng đào tạo theo tín chỉ cho một số khóa hoặc cho một hình thức đào tạo; áp dụng đào tạo theo niên chế cho một số khóa khác hoặc hình thức đào tạo còn lại.

    Như vậy, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học bắt buộc phải đào tạo theo tín chỉ mà còn tùy thuộc vào sự lựa chọn của từng cơ sở giáo dục đại học.

  2. Tín chỉ, ưu điểm của hình thức đào tạo theo tín chỉ

    Tín chỉ được xem là một đơn vị dùng để xác định khối lượng kiến thức, kỹ năng mà sinh viên tiếp thu được. Tín chỉ là đơn vị của hệ thống ECTS - European Credit Transfer and Accumulation System, Hệ thống chuyển đổi tín chỉ châu Âu. Một tín chỉ được quy định tương đương 15 tiết học lý thuyết, cùng 30 tiết thực hành và thí nghiệm hoặc là thảo luận. Phụ thuộc vào quy định của từng trường Đại học, 1 tín chỉ tương đương với 1,42 - 3 tín chỉ của hệ thống ECTS. 

    Ưu điểm của hình thức đào tạo theo tín chỉ

    Ø  Sinh viên được linh hoạt về thời gian tốt nghiệp

    Với phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên tốt nghiệp sẽ phụ thuộc vào số lượng tín chỉ mà sinh viên đó đăng ký. Có nghĩa là trường hợp sinh viên càng tích lũy được nhiều tín chỉ thì sẽ tốt nghiệp càng sớm. Sinh viên có thể tốt nghiệp trong 3,5 đến 4, 5 năm tùy thuộc vào khả năng học và nhu cầu của sinh viên.

    Như vậy, sinh viên học theo tín chỉ có thể sắp xếp, đăng ký tín chỉ sao cho phù hợp với quỹ thời gian cũng như khả năng hoàn thành chương trình học để đặt ra kế hoạch tương lai.

    Ø Linh hoạt thời gian học tập

    Đối với hình thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên có thể tự chọn môn học và thời gian học hợp lý cùng giáo viên dạy mình. Tuy nhiên cần lưu ý để sắp xếp các lớp không bị chồng chéo lên nhau. Hình thức đào tạo này sẽ tạo nhiều cơ hội cho sinh viên, nhất là người có quê ở xa hay cần đi thực thành, làm thêm…

    Ø Giảm chi phí trong giảng dạy

    Nếu như theo phương thức đào tạo truyền thống trước đây thì sinh viên sẽ phải đóng tiền cho cả năm học. Trong khi đó, với phương thức đào tạo tín chỉ, sinh viên chỉ cần đóng theo số tín chỉ đã đăng ký thay vì theo cả năm học.

    Trường hợp bỏ sót một vài khóa học, sinh viên vẫn có thể tiếp tục học sau đó mà không cần đăng ký lại từ đầu. Hình thức đào tạo này không chỉ tạo điều kiện cho sinh viên mà còn giúp các trường dễ dàng hơn trong việc lập ngân sách cho các khóa học.

    Ø Tạo sự linh hoạt giữa các môn học, ngành học

    Đối với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ sẽ linh hoạt hơn trong các môn học, bao gồm cả khối kiến thức chung và khối kiến thức chuyên môn cho từng lĩnh vực cụ thể. Theo đó, có thể hiểu môn kiến thức chung là môn học bắt buộc áp dụng cho học sinh toàn trường và có sự giám sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Về kiến thức chuyên môn thì được áp dụng cho nhiều ngành học và kiến thức chuyên sâu của mỗi ngành. Sinh viên có thể tham khảo ý kiến của giáo viên hoặc cố vấn học tập để chọn môn học phù hợp.

  3. Những điều sinh viên cần biết khi học tín chỉ

    Hiện nay Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT không có quy định về số tín chỉ trong một năm sinh viên đăng ký mà các trường sẽ đặt ra quy định về số tín chỉ căn cứ vào khối lượng kiến thức và chương trình học của mỗi trường. Tuy nhiên, trung bình mỗi kỳ học sinh viên đăng ký khoảng 30 tín chỉ.

    Ngoài ra, trong mỗi năm học, các trường có thể sẽ tổ chức thêm kỳ học hè để sinh viên học vượt tín chỉ hoặc học cải thiện lại các môn chưa đạt kết quả tốt căn cứ danh sách học phần được mở và điều kiện đăng ký của mỗi học phần.

    Theo Điều 7 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT thì trước khi bắt đầu mỗi học kỳ, cơ sở đào tạo hướng dẫn cho sinh viên đăng ký học tập trên hệ thống đăng ký học tập của cơ sở đào tạo. Sinh viên học theo tín chỉ phải đăng ký lớp của các học phần dự định sẽ học trong học kỳ, gồm:

    - Những học phần mới;

    - Một số học phần chưa đạt;

    - Một số học phần đã đạt (để cải thiện điểm nếu có).

    Mỗi cơ sở đào tạo sẽ quy định cụ thể giới hạn khối lượng học tập của sinh viên trong mỗi học kỳ nằm trong khung như sau:

    - Khối lượng tối thiểu không ít hơn 2/3 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn;

    - Khối lượng tối đa không vượt quá 3/2 khối lượng trung bình một học kỳ theo kế hoạch học tập chuẩn.

    Sinh viên bỏ thi học phần phải nhận mức điểm như thế nào?

    Sinh viên vắng mặt trong buổi thi, đánh giá không có lý do chính đáng phải nhận điểm 0. Sinh viên vắng mặt có lý do chính đáng được dự thi, đánh giá ở một đợt khác và được tính điểm lần đầu.

    Sinh viên đạt bao nhiêu điểm thì qua môn?

    Đạt được bao nhiêu điểm trong một môn học hoặc 1 tín chỉ học phần để qua môn là một vấn đề được nhiều bạn sinh viên quan tâm. Tuỳ thuộc vào từng trường đại học sẽ có các tính điểm khác nhau. Nhưng xét chung, thì mức độ đánh giá điểm học phần, tín chỉ của sinh viên cũng tương đối giống nhau.

    Khi sinh viên học theo tín chỉ, điểm đánh giá của môn học đó, dựa vào điểm tích luỹ của môn học bao gồm: điểm chuyên cần, điểm thực hành, bài tập, điểm thi,… Từ đây quy đổi sang thang điểm 4 hoặc 10 để xác định việc sinh viên đó đã đạt điểm qua môn, qua tín chỉ hay chưa.

    Hiện nay, thông thường các cơ sở đào tạo sẽ quy điểm trung bình môn hệ 4 và điểm chữ. Điểm trung bình tích lũy từ điểm D trở lên thì không phải học lại. Những sinh viên nào có điểm F tức là không qua môn và sẽ phải học lại, thi lại môn đó. Vì thế sẽ căn cứ vào điểm trên lớp, điểm thi và hệ số tính điểm học kì của từng trường quy định mà tính toán là đã đạt hay chưa.

    Ví dụ: Điểm trên lớp trung bình là 8,0 trường quy định điểm trên lớp được tính 40%, điểm thi tính 60%. Điểm số không bị tính F là đạt 4.0 điểm trung bình môn học.

    Cách tính: 4 - (8 x 40%) = 4 - 3,2 = 0,8 / 60% = 1,333,  khi đi thi chỉ cần đạt 1,5 điểm là đã qua môn.

    Sinh viên nợ tín chỉ có bị buộc thôi học không?

    Theo Điều 11 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT quy định, đối với chương trình đào tạo theo tín chỉ, cuối mỗi học kỳ chính, sinh viên được cảnh báo học tập dựa trên các điều kiện:

    - Tổng số tín chỉ không đạt trong học kỳ vượt quá 50% khối lượng đã đăng kí học trong học kỳ, hoặc tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24;

    - Điểm trung bình học kỳ đạt dưới 0,8 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,0 đối với các học kỳ tiếp theo;

    - Điểm trung bình tích lũy đạt dưới 1,2 đối với sinh viên trình độ năm thứ nhất, dưới 1,4 đối với sinh viên trình độ năm thứ hai, dưới 1,6 đối với sinh viên trình độ năm thứ ba dưới 1,8 đối với sinh viên các năm tiếp theo.

    Bên cạnh đó, nếu bị cảnh báo học tập nhiều lần, sinh viên sẽ bị buộc thôi học trong các trường hợp:

    - Số lần cảnh báo học tập hoặc mức cảnh báo học tập vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo;

    - Thời gian học tập vượt quá giới hạn được quy định trong quy chế của cơ sở đào tạo.

    Cũng cần lưu ý rằng, Quy chế của cơ sở đào tạo phải có quy định cụ thể về:

    - Việc lựa chọn áp dụng một số điều kiện cảnh báo học tập, giới hạn số lần hoặc mức cảnh báo học tập nhưng không vượt quá 2 lần cảnh báo liên tiếp;

    - Quy trình, thủ tục cảnh báo học tập, buộc thôi học; việc thông báo hình thức áp dụng tới sinh viên;

    - Việc bảo lưu kết quả học tập đã tích luỹ trong trường hợp sinh viên bị buộc thôi học.

    Như vậy, có thể thấy sinh viên có tổng số tín chỉ nợ đọng từ đầu khóa học vượt quá 24 tín chỉ sẽ bị cảnh báo học tập. Trường hợp số lần cảnh báo này hoặc mức cảnh báo vượt quá giới hạn theo quy định của cơ sở đào tạo thì có thể bị áp dụng hình thức buộc thôi học.

  4. Quy định của Trường Đại học Kinh tế - Luật về phương thức đào tạo theo tín chỉ

Phương thức đào tạo theo tín chỉ được quy định cụ thể trong Quy chế đào tạo trình độ Đại học ban hành kèm theo Quyết định số 1268/QĐ-ĐHKTL ngày 14/10/2022 của Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật, theo đó Quy chế quy định rõ các nội dung sau:

Ø Về tín chỉ (Điều 8);

Ø Tiêu chí đánh giá két quả học tập (Điều 10);

Ø Đăng ký khối lượng học tập (Điều 22);

Ø Đăng ký học lại, học cải thiện điểm (Điều 23);

Ø Thang điểm, điểm thành phần, điểm học phần (Điều 25);

Ø Cách tính điểm trung bình (Điều 27);

Ø Công nhận, chuyển đổi tín chỉ (Điều 28);

Ø Quy định về học phí (Điều 29)

Nói tóm lại, phương thức đào tạo theo tín chỉ là một phương thức đào tạo có nhiều ưu thế so với phương thức đào tạo truyền thống, tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển năng lực của người học, cho phép sinh viên có thể chủ động học theo điều kiện và năng lực của mình, theo đó sinh viên cần tiếp cận được với phương pháp học tập chủ động, lấy tự học và học tập theo nhóm làm chính, để đáp ứng được yêu cầu của đào tạo và quan điểm học tập suốt đời của thời đại ngày nay.

 

Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT (tải tại đây)

 Quy chế đào tạo trình độ Đại học Trường ĐH Kinh tế - Luật (tải tại đây)