BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 01/2025
CHỦ ĐỀ: QUY TRÌNH XÉT THI ĐUA, KHEN THƯỞNG
Thi đua, khen thưởng từ lâu đã được xem là động lực quan trọng, không chỉ thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến và tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn tạo nên sức mạnh đoàn kết và phong trào thi đua sôi nổi trong môi trường giáo dục. Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng với những điều chỉnh mới trong hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng, hướng đến sự minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn trong quản lý giáo dục. Bản tin pháp luật số 01/2025 sẽ cung cấp những thông tin về quy trình xét thi đua, khen thưởng theo các quy định pháp luật mới nhất.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội.
- Nghị định 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
- Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng đối với ngành giáo dục.
- Thông tư số 01/2024/TT-BNV ngày 24/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định biện pháp thi hành Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng;
- Quyết định số 1020/QĐ-ĐHQG ngày 06/8/2024 của Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM về Ban hành Quy định về công tác thi đua, khen thưởng tại ĐHQG-TP.HCM.
II. Quy trình xét thi đua, khen thưởng
1. Thông báo trọng tâm công tác thi đua
Thông báo trọng tâm công tác thi đua là bước khởi đầu quan trọng để định hướng các hoạt động thi đua trong năm học. Đây là hoạt động thường niên, được tổ chức dựa trên kế hoạch năm học, các văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý cấp trên, và nhu cầu thực tế của từng đơn vị trong trường. Thông báo này sẽ tập trung vào các nội dung chính như mục tiêu thi đua, phạm vi triển khai, tiêu chí xét duyệt, các danh hiệu thi đua, và quy trình đăng ký tham gia. Để đảm bảo tính chính xác và phù hợp, căn cứ Nguyên tắc thi đua, khen thưởng quy định tại Điều 5, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng nội dung thông báo chi tiết. Sau khi hoàn thiện, thông báo sẽ được trình Hiệu trưởng xem xét và ký duyệt trước khi phát hành chính thức theo quy định tại Khoản 4, Điều 18, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phát động, chỉ đạo phong trào thi đua trong phạm vi cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.”
Quá trình thông báo được thực hiện qua các kênh truyền thông nội bộ như email, website trường, bảng tin, và các buổi họp chuyên môn để đảm bảo toàn thể công, viên chức, người lao động đều nắm rõ nội dung và tham gia một cách chủ động. Nhờ thông báo trọng tâm này, các phong trào thi đua trong trường sẽ được triển khai thống nhất, đúng mục tiêu, và gắn kết với các nhiệm vụ trọng yếu của năm học.
2. Triển khai các nội dung trong công tác thi đua
Sau khi thông báo trọng tâm công tác thi đua được ban hành, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng sẽ bắt đầu triển khai các nội dung cụ thể để đảm bảo mọi cá nhân và đơn vị trong trường nắm rõ các yêu cầu cần thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 17, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022.
Đầu tiên, bộ phận phụ trách sẽ soạn thảo và gửi công văn nhắc nhở các đơn vị về những trọng tâm cần hoàn thành để được xét thi đua. Nội dung công văn sẽ bao gồm danh sách các danh hiệu thi đua, tiêu chí xét duyệt, các mốc thời gian quan trọng, và các yêu cầu cụ thể đối với từng đối tượng tham gia. Đồng thời, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng cũng ban hành thông báo hướng dẫn chi tiết về việc tổng kết và xét thi đua - khen thưởng cuối năm học. Thông báo này sẽ hướng dẫn các đơn vị cách lập hồ sơ thi đua - khen thưởng, từ việc chuẩn bị biểu mẫu, tài liệu minh chứng đến quy trình nộp hồ sơ và thời hạn hoàn thành. Các đơn vị trong trường sẽ căn cứ vào công văn và hướng dẫn này để triển khai các công việc nội bộ, tổ chức rà soát, tổng hợp thành tích và hoàn thiện hồ sơ thi đua - khen thưởng đầy đủ, đúng quy định.
3. Thành lập hội đồng xét duyệt
Bộ phận phụ trách công tác thi đua – khen thưởng sẽ chủ động xin ý kiến lãnh đạo Nhà trường về việc thành lập Hội đồng thi đua – Khen thưởng và Hội đồng Sáng kiến Khoa học để đảm bảo quá trình xét duyệt diễn ra công khai, minh bạch. Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tại trường được thành lập theo đúng quy định tại Khoản 4, Điều 90, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022, trong đó nêu rõ trách nhiệm của Hội đồng là tham mưu, tư vấn cho cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan về công tác thi đua, khen thưởng. Thành phần Hội đồng sẽ bao gồm các lãnh đạo chủ chốt của trường, đại diện các phòng ban chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, đảm bảo tính đa dạng và khách quan trong việc đánh giá. Hội đồng này có vai trò xét duyệt hồ sơ, định hướng, nâng cao hiệu quả phong trào thi đua trong toàn trường, đồng thời đảm bảo các quyết định khen thưởng được thực hiện theo đúng pháp luật.
4. Tiếp nhận và tổng hợp hồ sơ
Bộ phận Thi đua - Khen thưởng chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra và tổng hợp toàn bộ hồ sơ đề nghị xét thi đua - khen thưởng từ các đơn vị trong trường. Hồ sơ phải đảm bảo đầy đủ và hợp lệ theo các yêu cầu về thành phần và điều kiện được quy định tại Điều 13, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT, bao gồm báo cáo thành tích, tài liệu minh chứng và các biểu mẫu cụ thể cho từng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng. Sau khi hoàn tất quá trình rà soát, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng sẽ lập danh sách tổng hợp hồ sơ và trình Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để xem xét.
Trước khi tổ chức họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm công khai danh sách các cá nhân và tập thể đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng trên trang thông tin điện tử của nhà trường, theo quy định tại Khoản 6, Điều 14, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT. Thời gian công khai tối thiểu là 07 ngày làm việc. Trong thời gian này, các ý kiến phản hồi, khiếu nại hoặc tố cáo (nếu có) sẽ được tiếp nhận, xử lý và tổng hợp thành báo cáo bằng văn bản gửi đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để thảo luận tại cuộc họp.
Dựa trên danh sách hồ sơ và các báo cáo liên quan, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng quyết định ngày họp chính thức. Tại cuộc họp, Hội đồng sẽ thảo luận chi tiết, đánh giá từng hồ sơ dựa trên tiêu chí xét duyệt, các ý kiến đóng góp, và các quy định pháp lý, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
5. Xử lý hồ sơ
Sau khi Hội đồng hoàn tất quá trình xét duyệt, Bộ phận thi đua – khen thưởng sẽ soạn thảo quyết định công nhận các danh hiệu thi đua và giấy khen thuộc thẩm quyền của Hiệu trưởng, trình Hiệu trưởng ký ban hành nhằm hoàn tất thủ tục tại cấp cơ sở. Đối với các danh hiệu thi đua cao hơn, Bộ phận thi đua - khen thưởng tổng hợp hồ sơ chi tiết về các danh hiệu thi đua và gửi Đại học Quốc gia TP.HCM theo lộ trình nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong quy trình khen thưởng từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn. Các thông tin về kết quả xét duyệt, danh hiệu thi đua các cấp sẽ được Bộ phận thi đua - khen thưởng thông báo đến các đơn vị và cá nhân liên quan bằng văn bản, đảm bảo tính minh bạch, công khai và kịp thời.
Khoản 6, Điều 84, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định việc lưu trữ hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng phải tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo tính đầy đủ và hợp lệ, đáp ứng các yêu cầu quản lý và kiểm tra khi cần thiết. Do đó, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm phân loại và lưu trữ các Quyết định theo từng hạng mục, đảm bảo tổ chức khoa học và dễ dàng tra cứu khi có nhu cầu sử dụng. Đối với các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp trên, Bộ phận Thi đua - Khen thưởng sẽ theo dõi sát sao, phối hợp với các cơ quan liên quan để nhận Quyết định và Giấy chứng nhận về đơn vị, kịp thời thông báo và phân phối đến các cá nhân, tập thể được công nhận.
6. Trao tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng
Trao tặng các danh hiệu thi đua và khen thưởng là sự ghi nhận chính thức, tôn vinh những đóng góp xuất sắc của các cá nhân và tập thể trong phong trào thi đua.
Theo Luật Thi đua, Khen thưởng 2022, Quyết định số 1020/QĐ-ĐHQG, các danh hiệu thi đua cá nhân bao gồm: “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua Bộ”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, và “Lao động tiên tiến” với các tiêu chuẩn rõ ràng và phân cấp cụ thể.
Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” (Điều 21, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022) là cấp cao nhất, dành cho những cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh” 02 lần liên tiếp và có sáng kiến, công trình khoa học hoặc công nghệ mang lại hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc. Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Bộ” (Điều 22, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022) dành cho những cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” 03 lần liên tục và có sáng kiến hoặc công trình khoa học áp dụng hiệu quả trong phạm vi cấp Bộ. “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (Điều 23, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022) được trao cho cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến, công trình khoa học được cơ sở công nhận. Danh hiệu “Lao động tiên tiến” (Điều 24, Luật Thi đua, Khen thưởng 2022) yêu cầu cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tinh thần trách nhiệm, đoàn kết và tích cực tham gia phong trào thi đua.
Các hình thức khen thưởng như Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” (Điều 8, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT), Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Điều 9, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT), Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia (Điều 10, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT và Giấy khen của thủ trưởng đơn vị (Điều 11, Thông tư 29/2023/TT-BGDĐT) được trao cho những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc, đóng góp tiêu biểu trong công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, hoặc các hành động có ý nghĩa xã hội lớn. Tiêu biểu như Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, dành cho người có thời gian công tác lâu năm hoặc đạt thành tích đặc biệt ở vùng khó khăn, Bằng khen của Bộ trưởng dành cho những cá nhân gương mẫu, có sáng kiến, hoặc lập được thành tích xuất sắc trong lĩnh vực giáo dục, hay Giấy khen của thủ trưởng đơn vị được trao cho các cá nhân hoặc tập thể có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đơn vị và đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Lễ trao tặng được tổ chức trang trọng, thường lồng ghép vào các sự kiện lớn như Hội nghị Viên chức – Người lao động, Lễ kỷ niệm ngày thành lập trường,.. nhằm tăng tính lan tỏa và ý nghĩa. Việc trao tặng danh hiệu là sự tôn vinh những nỗ lực và thành tựu xuất sắc, đồng thời khơi dậy tinh thần thi đua tích cực, thúc đẩy sự cống hiến và góp phần xây dựng một môi trường giáo dục năng động, đoàn kết và phát triển bền vững.
III. Kết luận
Công tác thi đua, khen thưởng mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không dừng lại ở việc ghi nhận và tôn vinh thành tích của các cá nhân xuất sắc mà còn khích lệ tinh thần sáng tạo, trách nhiệm và sự đoàn kết trong tập thể. Đối với Trường Đại học Kinh tế - Luật, việc thực hiện tốt công tác này góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho giảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hoạt động giảng dạy, quản lý và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là chất xúc tác để nhà trường ngày một nâng cao chất lượng, xây dựng uy tín và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học, gắn kết các mục tiêu giáo dục với sứ mệnh phát triển toàn diện, hướng tới sự bền vững và hội nhập quốc tế.