Bản tin pháp luật số 03/2025

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03/2025

CHỦ ĐỀ: CHUẨN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO LĨNH VỰC PHÁP LUẬT TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC

 

Đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực pháp lý cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, ngoài việc tập trung phát triển về số lượng các cơ sở đào tạo đáp ứng nhu cầu của xã hội, thì điều quan trọng là phải có những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Một hệ thống đào tạo luật có chất lượng là cơ sở quan trọng cho việc xây dựng một hệ thống tư pháp vững mạnh và một Nhà nước pháp quyền đảm bảo các mục tiêu phát triển của đất nước và xã hội. Trước những yêu cầu đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT năm 2025, theo đó mục đích ra đời của Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học là bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng, tính liên thông, phát huy năng lực của các cơ sở đào tạo nhằm tăng cường hội nhập quốc tế của tất cả các chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học tại Việt Nam.

  1. Cơ sở pháp lý

    - Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/06/2019 của Quốc hội;

    - Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; sau đây gọi chung là Luật Giáo dục đại học;

    - Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

    - Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/06/2021của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;

    -  Thông tư 09/2022/TT-BGDĐTngày 06/6 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc quy định Danh mục thống kê ngành đào tạo của giáo dục đại học.

  2. Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học

    Theo Tiểu mục 2.2 - Mục 2 Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT năm 2025 chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học như sau:

    Người học các chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học phải đáp ứng các yêu cầu:

    - Đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương;

    - Tổng điểm xét tuyển tối thiểu đạt 60% điểm đánh giá tối đa của thang điểm.

    Các cơ sở đào tạo quy định chuẩn đầu vào dựa trên các kỳ thi, xét tuyển và các hình thức đánh giá khác, hoặc những yêu cầu cụ thể về kiến thức, năng lực, phẩm chất, kinh nghiệm đối với người học từng chương trình đào tạo, nhưng phải bảo đảm đánh giá được kiến thức Toán và Ngữ văn, hoặc Toán, hoặc Ngữ văn và đạt tối thiểu là 60% điểm đánh giá tối đa của thang điểm.

    Người dự tuyển tất cả các hình thức đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học đều phải đáp ứng các điều kiện trên đây, trừ trường hợp những người dự tuyển đã có bằng đại học được miễn các yêu cầu này.

  3. Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học

    Căn cứ Tiểu mục 2.3 -  Mục 2 Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT năm 2025 thì chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học được quy định như sau:

    Người học sau khi tốt nghiệp trình độ đại học đáp ứng các quy định về chuẩn đầu ra của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, đồng thời đáp ứng yêu cầu năng lực tối thiểu sau đây:

    - Về kiến thức:

    + Áp dụng được kiến thức lý thuyết toàn diện và kiến thức thực tiễn cơ bản về lĩnh vực pháp luật, bao gồm: Kiến thức về lý luận, lịch sử nhà nước và pháp luật; các học thuyết chính trị - pháp lý; luật hiến pháp, quyền con người; nghề luật và đạo đức nghề luật; lập luận và kỹ năng viết trong nghề luật; nhóm kiến thức luật hành chính; nhóm kiến thức luật kinh tế; nhóm kiến thức luật quốc tế; nhóm kiến thức luật dân sự; nhóm kiến thức luật hình sự.

    + Áp dụng được kiến thức cơ bản về chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc.

    - Về kỹ năng:

    + Có khả năng giao tiếp và tương tác thân thiện, hiệu quả;

    + Có kỹ năng tóm tắt, phân tích, tổng hợp và đánh giá dữ liệu, thông tin, quy định pháp luật;

    + Có kỹ năng phản biện;

    + Có kỹ năng cơ bản thực hành nghề luật, phát hiện vấn đề và giải quyết các vấn đề pháp lý;

    + Có kỹ năng diễn đạt, trình bày bằng lời nói hoặc văn bản các tri thức chuyên môn, các lập luận, quan điểm, giải pháp pháp lý; biết soạn thảo các văn bản pháp lý;

    + Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; có năng lực ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin phục vụ công việc, tìm kiếm thông tin, tra cứu văn bản pháp luật trên môi trường internet và đáp ứng yêu cầu về năng lực số theo quy định hiện hành.

  • Về mức tự chủ và trách nhiệm:

    + Trung thành với Tổ quốc, có ý thức chính trị, tư tưởng vững vàng, có tinh thần thượng tôn pháp luật; ủng hộ đổi mới, bảo vệ công lý và quyền con người; có ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc;

    + Trung thực, liêm chính, cẩn trọng, cầu thị, thấu hiểu; có đạo đức nghề luật;

    + Có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm; sáng tạo; có khả năng vận dụng những kiến thức và kỹ năng một cách tự chủ và có trách nhiệm trong lĩnh vực pháp luật, có khả năng thích ứng với môi trường nghề luật trong bối cảnh thay đổi;

    + Chịu trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với nhóm; có khả năng hướng dẫn và giám sát người khác thực hiện nhiệm vụ.

    Như vậy quy định về chuẩn đầu vào, chuẩn đầu ra đối với người học chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học hiện nay rất chi tiết, cụ thể, thực tế, rõ ràng, từ các quy định đó đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học cần phải  nghiêm túc tiến hành xây dựng kế hoạch và có trách nhiệm rà soát, cập nhật chương trình đào tạo bảo đảm đáp ứng tiêu chí của Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật.

  1. Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học

    Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học được quy định cụ thể như sau:

  • Các thành phần của chương trình đào tạo bao gồm:

    Tùy theo sứ mạng, chiến lược và định hướng (nghiên cứu, ứng dụng, nghề nghiệp) của mình, cơ sở đào tạo có thể chủ động phân bổ tỷ lệ giữa kiến thức cơ sở ngành, cốt lõi ngành, thực tập, trải nghiệm một cách phù hợp với điều kiện được quy định cụ thể, chi tiết tại Tiểu mục d) Mục 2 Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học.

  • Các yêu cầu khác về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo:
  • Thành phần giáo dục đại cương;
  • Thành phần cơ sở ngành và cốt lõi ngành;
  • Thành phần thực tập, trải nghiệm;
  • Mỗi thành phần, học phần của chương trình đào tạo phải quy định mục tiêu, yêu cầu đầu vào và đầu ra, số tín chỉ và nội dung, đặc điểm chuyên môn; đóng góp rõ ràng trong thực hiện mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Chuẩn đầu ra của các học phần cụ thể hóa một cách đầy đủ, rõ nét chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo tương ứng.
  • Các học phần về pháp luật nội dung được học trước các học phần về pháp luật hình thức (tố tụng) tương ứng.
  • Các kiến thức thực hành được phân bố hợp lý trong toàn bộ thời gian cung cấp các nhóm kiến thức cơ sở ngành, cốt lõi ngành, bảo đảm người học được hưởng dẫn và thực hành trực tiếp.
  • Việc đào tạo kỹ năng được thực hiện thông qua hình thức các học phần đào tạo kỹ năng riêng biệt và lồng ghép trong giảng dạy các học phần về kiến thức pháp luật.
    • Đối với các chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ, song bằng

    Chương trình đào tạo phải bảo đảm tối thiểu có các nhóm kiến thức bắt buộc thuộc thành phần cơ sở ngành và cốt lõi ngành của ngành đào tạo nêu tại các thành phần của chương trình đào tạo.

    Theo đó cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo lĩnh vực pháp luật trình độ đại học được quy định theo hướng mở tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học dựa vào sứ mạng, chiến lược, định hướng của mình để xây dựng quy định các thành phần, các yêu cầu về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị.

  1. Phương pháp giảng dạy

    Theo Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học ban hành kèm theo Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT năm 2025, chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học trong hoạt động dạy - học sử dụng các phương pháp sau:

  • Phương pháp thuyết giảng;
  • Phương pháp thảo luận;
  • Phương pháp tranh biện;
  • Phương pháp tình huống;
  • Phương pháp đóng vai (phiên tòa giả định, hòa giải, đàm phán…);
  • Phương pháp làm việc nhóm;
  • Phương pháp trải nghiệm thực tế;
  • Các phương pháp khác phù hợp với chương trình đào tạo.

    Trong lĩnh vực đào tạo Pháp luật trình độ đại học có những đặc thù riêng, nên quy định của Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học đã đề cập đến nhiều phương pháp có tính đặc thù riêng, nhìn chung các phương pháp đều chú trọng nâng cao sự chủ động của sinh viên, tăng cường sự tương tác sinh viên - sinh viên và sinh viên – giảng viên, đề cao việc tiếp cận thực tiễn vào quá trình dạy - học, tăng cường hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, thực hành thực tập pháp luật cho sinh viên, việc kết hợp các phương pháp này một cách hiệu quả sẽ giúp cho chất lượng đào tạo luật  được nâng cao, đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn nghề luật.

    Ngoài ra Quyết định số 678/QĐ-BGDĐT năm 2025 của chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học còn quy định rất chi tiết, cụ thể các yêu cầu quy định đối với đội ngũ giảng viên, nhân lực hỗ trợ của cơ sở đào tạo thực hiện chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học và các yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu để giúp người học đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo theo các quy định hiện hành.

  1. Kết luận

Như vậy trong bối cảnh toàn cầu hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế việc ban hành Chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực Pháp luật trình độ đại học có ý nghĩa rất lớn, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho các cơ sở giáo dục đại học đào tạo lĩnh vực pháp luật nói chung, Trường ĐH Kinh tế - Luật nói riêng tiến hành xây dựng và phát triển chương trình đào tạo với những cải tiến, đổi mới, thống nhất, theo chuẩn mực chung phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng mục tiêu đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có sức khỏe, có kiến thức chuyên môn pháp luật toàn diện, hệ thống, nắm vững nguyên lý, quy luật xã hội liên quan tới pháp luật, có kỹ năng cơ bản thực hành nghề luật, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc lĩnh vực Pháp luật, thích nghi với môi trường làm việc, có ý thức phục vụ nhân dân.