Ngành Thuỷ sản là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, trong những năm qua, đã giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động, tăng nhanh giá trị kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm nguồn thực phẩm dồi dào và đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, đặc biệt là về giá trị xuất khẩu.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc xây dựng và phát triển ngành Thuỷ sản. Ngày 05/5/1989, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã ký Lệnh ban hành Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc xây dựng và phát triển ngành Thuỷ sản.
Qua hơn 13 năm thực hiện, Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đã phát huy tác dụng bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản của đất nước, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý hoạt động thuỷ sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh mẽ của ngành Thuỷ sản theo chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, đến nay, Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản năm 1989 đã bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng đến việc quản lý, phát triển Ngành theo hướng vừa bảo đảm bền vững về điều kiện tự nhiên vừa tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 19/1998/QH 10 của Quốc hội Khoá X ngày 02/12/1998 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội Khoá X; Nghị quyết số 76/1999/NQ - UBTVQH ngày 23/3/1999 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết số 12/2002/QH11 của Quốc hội Khoá XI, Kỳ họp thứ hai (từ ngày 12/11 đến ngày 16/12/2002) về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ Khoá XI (2002 – 2007) và năm 2003, Chính phủ đã giao Bộ Thủy sản chủ trì soạn thảo Dự án Luật Thuỷ sản thay thế Pháp lệnh Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
Thông tin chi tiết xin xem toàn văn Luật Thủy sản trong file đính kèm dưới đây.