Bản tin pháp luật số 04/2025

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 04/2025

CHỦ ĐỀ: ĐIỂM MỚI VỀ KIỂM ĐỊNH CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CÁC TRÌNH ĐỘ CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

 

Kiểm định chất lượng chương trình đào tạo là một trong những công cụ quan trọng giúp đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngày 17/02/2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực áp dụng từ ngày 04/04/2025 với nhiều điểm mới nổi bật, thay thế các quy định trước đây về kiểm định chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học. Bản tin pháp luật số 04/2025 sẽ cung cấp thông tin tổng quan về các điểm mới quan trọng của Thông tư này.

I. Cơ sở pháp lý

-  Luật Giáo dục số 43/2019/QH14;

- Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 sửa đổi bổ sung bởi Luật số 34/2018/QH14;

-  Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT ngày 17/02/2025 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

II. Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng

Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo gồm 8 tiêu chuẩn, cập nhật theo phiên bản 4.0 của Tổ chức bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA), phù hợp với thực tiễn Việt Nam và hướng tới hội nhập quốc tế, được quy định tại Chương II, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT:

- Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo (Điều 4);

- Tiêu chuẩn 2: Cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo (Điều 5);

- Tiêu chuẩn 3: Hoạt động dạy và học (Điều 6);

- Tiêu chuẩn 4: Đánh giá kết quả học tập (Điều 7);

- Tiêu chuẩn 5: Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (Điều 8);

- Tiêu chuẩn 6: Các dịch vụ hỗ trợ người học (Điều 9);

- Tiêu chuẩn 7: Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và trang thiết bị (Điều 10);

- Tiêu chuẩn 8: Đầu ra và kết quả đầu ra (Điều 11).

So với Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, quy định bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo đại học gồm 11 tiêu chuẩn, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT đã rút gọn còn 8 tiêu chuẩn cốt lõi. Sự thay đổi này giúp khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa các tiêu chuẩn trước đây, đồng thời làm cho quy trình kiểm định trở nên mạch lạc, tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất của chất lượng đào tạo. Nhờ đó, góp phần giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và nguồn lực, đồng thời tăng tính minh bạch, dễ tiếp cận trong triển khai thực tiễn. Việc tinh gọn tiêu chuẩn còn giúp các chương trình đào tạo tiệm cận chuẩn mực quốc tế, thuận lợi khi tham chiếu, so sánh và hội nhập với khu vực, tạo động lực để các cơ sở đào tạo chủ động cải tiến và nâng cao chất lượng một cách thực chất, bền vững.

III. Phương pháp đánh giá

Theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, việc đánh giá chất lượng chương trình đào tạo dựa trên thang điểm 1–7 cho từng tiêu chí, với mức 1–3 là chưa đạt yêu cầu và 4–7 là đạt yêu cầu (Khoản 2, Điều 4). Cách tiếp cận này tạo ra sự phân hóa phức tạp, mang tính hình thức khi áp dụng.

Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT (Điều 13) đã thay đổi căn bản bằng cách áp dụng 2 mức đánh giá: “Đạt”“Không đạt”, đồng thời bổ sung mức “Đạt có điều kiện” cho chương trình cần hoàn thiện trong thời gian tối đa 24 tháng (Điểm b, Khoản 4, Điều 13). Quy định này loại bỏ tính hình thức, buộc các trường tập trung vào đáp ứng yêu cầu tối thiểu và cải tiến liên tục.

IV. Tiêu chí điều kiện bắt buộc

Trước đây, các quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học, điển hình là Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT, không quy định rõ ràng về các tiêu chí là điều kiện bắt buộc trong từng tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến thực tế nhiều chương trình có thể được công nhận “đạt chuẩn” dù còn thiếu các yếu tố nền tảng như chuẩn đầu ra rõ ràng, phương pháp đánh giá học tập chặt chẽ hay đội ngũ giảng viên đạt chuẩn. Việc đánh giá chủ yếu dựa trên tổng số điểm của các tiêu chí, không phân biệt mức độ quan trọng giữa các tiêu chí, nên vẫn tồn tại tình trạng “đạt chuẩn trên giấy”, chưa thực sự đảm bảo chất lượng cốt lõi của chương trình đào tạo.

Hiện nay, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT đã xác định rõ và siết chặt quy định về tiêu chí điều kiện bắt buộc trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Theo quy định mới, mỗi tiêu chuẩn đều có ít nhất một tiêu chí điều kiện - đây là các tiêu chí tối quan trọng, bắt buộc chương trình phải đạt. Khoản 1, Điều 13 quy định 10 tiêu chí điều kiện, bao gồm các nội dung then chốt như: chuẩn đầu ra rõ ràng, cấu trúc và nội dung chương trình phù hợp, phương pháp đánh giá kết quả học tập, đội ngũ giảng viên đạt chuẩn, cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đào tạo,... Nếu chương trình không đạt bất kỳ tiêu chí điều kiện nào, kết quả kiểm định sẽ là “không đạt”, bất kể các tiêu chí khác có đạt hay không. Điều này đảm bảo chỉ những chương trình thực sự đáp ứng các yêu cầu nền tảng mới được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục đại học.

V. Chu kỳ kiểm định.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 29 Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, chu kỳ kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục là 5 năm, nghĩa là sau mỗi 5 năm các cơ sở giáo dục phải tiến hành đánh giá lại để được công nhận đạt chuẩn chất lượng. Tuy nhiên, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT đã bổ sung quy định mới tại Khoản 4, Điều 12, theo đó, đối với các chương trình đào tạo đã được đánh giá đạt ở chu kỳ trước, nếu trong lần kiểm định tiếp theo tiếp tục được đánh giá đạt với tỷ lệ tiêu chuẩn, tiêu chí đạt cao hơn chu kỳ trước, đồng thời có minh chứng về cải tiến chất lượng, cơ bản khắc phục được các điểm yếu đã chỉ ra từ chu kỳ trước, thì chu kỳ kiểm định chất lượng tiếp theo sẽ được kéo dài lên 7 năm. Việc kéo dài chu kỳ kiểm định cho những chương trình đào tạo có sự tiến bộ rõ rệt góp phần giảm áp lực thủ tục hành chính, giúp trường tập trung nguồn lực cho các hoạt động cải tiến thực chất.

VI. Các hoạt động sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá.

Trước đây, theo Điều 37, Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, sau khi hoàn thành báo cáo tự đánh giá, cơ sở giáo dục phải gửi báo cáo này cho cả cơ quan quản lý trực tiếp và Bộ Giáo dục và Đào tạo (Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục), đồng thời đề nghị được quan tâm, hỗ trợ trong quá trình cải tiến chất lượng. Báo cáo tự đánh giá chủ yếu được lưu trữ nội bộ hoặc tại thư viện của trường, chưa có yêu cầu công khai rộng rãi hay cập nhật vào hệ thống quản lý chung của Bộ. Việc cập nhật báo cáo chỉ thực hiện dưới dạng báo cáo bổ sung hàng năm, chưa có quy định cụ thể về công khai thông tin hay ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.

Hiện nay, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT (Điều 21) đã quy định chi tiết và hiện đại hơn. Cơ sở đào tạo chỉ cần gửi báo cáo tự đánh giá cho cơ quan quản lý trực tiếp để được giám sát, hỗ trợ, đồng thời phải công khai báo cáo này trên trang thông tin điện tử của trường (trừ trường hợp có thông tin bí mật nhà nước hoặc chưa công khai theo quy định). Ngoài ra, các trường còn phải cập nhật báo cáo tự đánh giá vào phần mềm Quản lý Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời lưu trữ tại trường. Quy định mới cũng nhấn mạnh việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cải tiến chất lượng một cách thường xuyên, thay vì chỉ cập nhật hàng năm như trước.

 

Như vậy, Thông tư 04/2025/TT-BGDĐT là bước tiến quan trọng trong kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đại học, khi đã tinh gọn bộ tiêu chuẩn, minh bạch hóa quy trình, xác định rõ các tiêu chí điều kiện bắt buộc và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Quy định mới không chỉ khắc phục tình trạng hình thức, chồng chéo của các quy định cũ mà còn tạo động lực để các cơ sở đào tạo chủ động cải tiến, nâng cao chất lượng thực chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đối với Trường Đại học Kinh tế - Luật, việc thực hiện nghiêm túc, công khai và thường xuyên cập nhật các hoạt động tự đánh giá và cải tiến chất lượng sẽ giúp nâng cao uy tín, tăng năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học hiện đại.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN