Luật Giáo dục năm 1998 và sau đó là Luật Giáo dục năm 2005 đã tạo nền tảng pháp lý khá vững chắc cho sự nghiệp phát triển giáo dục, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục tiến thêm những bước phát triển mới. Các quy định của Luật Giáo dục tạo điều kiện để ngành giáo dục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, tăng cường hiệu quả, thực hiện công bằng xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân và phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tuy nhiên, các quy định về giáo dục đại học ở trong Luật giáo dục mới chỉ quy định chung có tính nguyên tắc. Hệ thống các văn bản pháp luật về giáo dục hiện nay tuy ngày càng được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đủ điều chỉnh các quan hệ về giáo dục đại học, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, giáo dục đại học nước ta đã từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo; cung cấp nguồn lao động chủ yếu có trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, giáo dục đại học cũng còn hạn chế: Phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục đại học chậm được thay đổi, chưa bảo đảm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học.
Luật giáo dục là luật khung, quy định một số vấn đề chung của giáo dục đại học. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về giáo dục đại học còn phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của giáo dục đại học được quy định tản mạn tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành, Những vấn đề đó cần được điều chỉnh bằng một văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn.
Trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với hệ thống giáo dục đại học trong khu vực và trên thế giới, việc ban hành Luật giáo dục đại học là cần thiết để điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học phù hợp với các cam kết quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quản lý tốt hơn hoạt động hợp tác, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Cần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”.
Để thực hiện Nghị quyết của Đảng cần xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho sự đổi mới mạnh mẽ của giáo dục trong đó có giáo dục đại học.
Như vậy, việc ban hành Luật giáo dục đại học là cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc, thống nhất cho sự phát triển của giáo dục đại học và thực hiện các mục tiêu giáo dục.
Xem toàn văn
Luật Giáo dục Đại học tại đây.