Bản tin pháp luật số 03/2024

BẢN TIN PHÁP LUẬT SỐ 03

CHỦ ĐỀ: NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

           

Cơ sở pháp lý quy định đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

Đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được quy định cụ thể, chi tiết tại các văn bản quy phạm pháp luật sau:

  • Luật Công chức số 22/2008-QH12 ngày 13/11/2008;
  • Luật Viên chức số 58/2010-QH12 ban hành ngày 15/10/2010;
  • Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức số 52/2019/QH14 ban hành ngày 25/11/2019;
  • Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ban hành ngày 13/08/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức;
  • Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ban hành ngày 17/07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

          Theo đó Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ban hành ngày 17/07/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức đã bổ sung nhiều điểm mới trong đánh giá công chức, viên chức như sau:

  1. Nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức[1]

    Quy định về nguyên tắc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, ngoài 4 nguyên tắc theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Nghị định 48/2023/NĐ-CP đã bổ sung thêm 2 nguyên tắc cụ thể tại Khoản 1, Điều 1 gồm:

    Thứ nhất, Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

    Trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

    Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

    Thứ hai, Tỉ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức viên chức.

  2. Hình thức lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức[2]

    Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP, tài liệu kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được lưu giữ bằng hình thức điện tử, bao gồm:

    1- Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá.

    2- Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

    3- Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có).

    4- Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền.

    5- Hồ sơ giải quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức (nếu có).

    6- Các văn bản khác liên quan (nếu có).

    Nghị định nêu rõ, ngoài việc lưu giữ bằng hình thức điện tử, Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp có thẩm quyền còn được lưu bằng văn bản trong hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.

  3. Ban hành Quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức[3]

Khoản 3, Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP nêu rõ, căn cứ quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức về đánh giá, xếp loại chất lượng, cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức ban hành Quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Nội dung Quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỉ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm phù hợp với các quy định tại Nghị định này.

Như vậy, việc ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.



[1] Khoản 1, Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP

[2] Khoản 2, Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP

[3] Khoản 3, Điều 1 Nghị định 48/2023/NĐ-CP