Luật Khiếu nại 2011

Luật khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998 và được sửa đổi, bổ sung năm 2004, 2005 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra
 Đó là cơ chế giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo đầy đủ tính khách quan, công khai, dân chủ trong quá trình giải quyết; việc khởi kiện của người dân tại Toà án còn bị hạn chế; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại chưa cụ thể, rõ ràng, thời hạn giải quyết dài, chưa tạo thuận lợi cho công dân; chưa đề cao vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và của luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại; thiếu chế tài cụ thể trong việc xử lý trách nhiệm thực hiện công tác giải quyết khiếu nại; hiệu lực thi hành các quyết định giải quyết khiếu nại chưa cao; chưa gắn trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan nhà nước trong việc tổ chức tiếp công dân. Bên cạnh đó, một số văn bản pháp luật hiện hành có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại, nhất là trong lĩnh vực đất đai… còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa tạo được thống nhất trong các quy định về khiếu nại, giải quyết khiếu nại.
          Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các quy định pháp luật về khiếu nại, ngày 11 tháng 11 năm 2011, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 2 đã thông qua Luật Khiếu nại. 
          Luật Khiếu nại gồm 8 chương, 70 điều; quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại.
Thông tin chi tiết xin xem toàn văn Luật Khiếu nại tại đây.