Luật Dầu khí

Sau 30 năm xây dựng và phát triển, Ngành Dầu khí đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong 5 năm gần đây, từ năm 2001-2005 ngành Dầu khí dẫn đầu các ngành kinh tế cả nước về kim ngạch xuất khẩu và nộp ngân sách Nhà nước. Trung bình hàng năm, doanh thu bán dầu thô và khí tự nhiên chiếm vào khoảng 25-28% trong tổng số thu của ngân sách Nhà nước.
Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn của nước ngoài vào ngành dầu khí (tập trung chủ yếu vào khâu thượng nguồn - tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí) với trên 8 tỷ đôla Mỹ. Tính đến tháng 12 năm 2008, Việt Nam có hơn 30 phát hiện dầu khí, trong đó có 8 mỏ dầu, khí đang khai thác đã trở thành nền tảng cho việc phát triển ngành, đồng thời khẳng định vai trò của một ngành công nghiệp có đóng góp lớn đối với nền kinh tế quốc dân.
Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút đầu tư, đến nay các khu vực, các lô dầu khí có nhiều triển vọng nhất đã được ký hợp đồng với các công ty dầu khí nước ngoài, những khu vực còn lại có tiềm năng chưa được chứng minh, kém hấp dẫn, mỏ nhỏ hoặc vùng nước sâu, xa bờ và nhạy cảm ở Biển Đông. Một số công ty dầu khí hàng đầu của  Tây Âu và Hoa Kỳ như Shell,  Texaco, British Gas, Statoil ... đã rút đầu tư khỏi Việt Nam. Một số tập đoàn dầu khí lớn đã sáp nhập và đang điều chỉnh chiến lược đầu tư ra nước ngoài, chuyển hướng sang các khu vực khác (như Trung đông, Nam Mỹ, Châu Phi). Trong khi đó, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động dầu khí của Việt Nam còn có những bất cập, chưa chuyển biến kịp với sự thay đổi của tình hình công nghiệp dầu khí quốc tế.
Luật Dầu khí ban hành năm 1993 và sửa đổi, bổ sung năm 2000 là văn bản pháp lý quan trọng trong hệ thống các quy định của pháp luật về dầu khí. Luật Dầu khí ra đời đã kịp thời đáp ứng yêu cầu của việc điều chỉnh hoạt động dầu khí bằng pháp luật và góp phần phát triển ngành dầu khí. Luật Dầu khí và các văn bản pháp luật về dầu khí khác được xây dựng trên cơ sở các thông lệ dầu khí quốc tế, các quy định của điều ước quốc tế và thực tiễn hoạt động dầu khí ở nước ta. Mặc dù, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dầu khí chưa thực sự hoàn thiện, nhưng các văn bản quy phạm pháp luật đã hình thành một khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam thay cho việc điều chỉnh bằng các biện pháp hành chính và kinh nghiệm như thời điểm trước khi có Luật Dầu khí. Hoạt động dầu khí đã đem đến cho Việt Nam những kinh nghiệm quản lý tiên tiến trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; tham gia phát triển nguồn nhân lực góp phần đào tạo đội ngũ quản lý giỏi, công nhân có tay nghề kỹ thuật cao; giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.
Việc thực hiện pháp luật về dầu khí là điều kiện, tiền đề để ngành dầu khí mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế. Hiện nay, khả năng của ngành dầu khí nước ta không những có thể tự tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trong nước mà còn có khả năng đầu tư ra nước ngoài bằng nguồn vốn, trình độ kỹ thuật cao đã tích luỹ được trong hàng chục năm qua. Thực tế này được thể hiện rõ qua việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã và đang thực hiện một số hợp đồng dầu khí ở nước ngoài (Algieria, Indonesia, Malaysia...).
Tuy nhiên, sau 15 năm kể từ khi ra đời, Luật Dầu khí đã nảy sinh một số nội dung bất cập so với việc phát triển ngành dầu khí hiện tại cũng như tương lai.
Ngày 03 tháng 6 năm 2008, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội  nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật dầu khí. Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 05/2008/L-CTN ngày 12 tháng 6 năm 2008 công bố Luật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009.
Luật bao gồm những nội dung sau:
Thông tin chi tiết xin xem toàn văn Luật Dầu khí trong file đính kèm dưới đây.